Xây dựng nông thôn mới nhiều khó khăn

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM được sửa đổi bổ sung tại Quyết định 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 phải đạt bình quân 23 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất; đa số người dân chưa biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất..., nên để thu nhập của người dân đạt chuẩn trên là một vấn đề nan giải.
Kênh mương dẫn nước đồng ruộng GNí, xã Vĩnh Sơn đã được kiên cố hóa.
Tại xã Vĩnh Sơn, trong những năm gần đây, nguồn vốn Chương trình XDNTM được xã lồng ghép thêm với nguồn vốn Chương trình 30a để hỗ trợ sản xuất cho người dân.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế - xã hội còn quá thấp nên mặc dù ưu tiên cho công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo…, nhưng đến nay, thu nhập thực tế vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với quy định.
Hiện thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này vẫn chưa đến 10 triệu đồng/năm.
Theo ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn: Do thu nhập của bà con vẫn còn ở mức thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, việc huy động các nguồn lực trong dân không thể thực hiện được, đã khiến việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng của xã gặp khó khăn rất lớn, dù xã đã nỗ lực lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện.
Vĩnh Kim cũng là một xã nghèo của huyện Vĩnh Thạnh, quanh năm người dân đối mặt với thiên tai hạn hán, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đời sống kinh tế khó khăn, tiềm lực để phát triển kinh tế công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hầu như không có.
Vì vậy, công cuộc XDNTM đối với xã Vĩnh Kim là một điều hết sức khó khăn.
Ông Đinh Văn Mun, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, chia sẻ: “Vĩnh Kim là xã ĐBKK, người dân ở đây lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, mùa nắng thì hạn, mùa mưa thì lũ.
Nông nghiệp là nghề chính của bà con nhưng chỉ có thể tập trung làm vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu thì vẫn làm nhưng nhiều khi không thu được gì, bởi có những thời điểm khi nông dân chưa kịp thu hoạch thì nước đã cuốn trôi hết”.
Do không có tiềm lực, đời sống nhân dân còn thấp, nên chính quyền và bà con địa phương tại các xã ĐBKK đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện các tiêu chí NTM cần nguồn vốn lớn.
Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thiết yếu cũng đang là bài toán khó giải đối với xã ĐBKK này.
Do đặc thù của địa phương miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nên công tác XDNTM tại các địa phương nói trên còn nhiều hạn chế. Hiện nay xã Vĩnh Sơn chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí NTM, xã Vĩnh Kim mới đạt 4/19 tiêu chí.
Thiết nghĩ, để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các xã miền núi ĐBKK như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, các cấp các ngành của huyện cần có sự vào cuộc đồng bộ, hỗ trợ vật chất và tinh thần nhằm giúp các địa phương có điều kiện khai thác tiềm năng, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, từng bước phát triển đi lên, góp phần XDNTM thành công, đổi mới bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Có thể bạn quan tâm

Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh từ khoảng năm 2002. Đến nay, tổng diện tích nha đam toàn tỉnh trên 260 ha, tập trung chủ yếu ở 2 phường Văn Hải và Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân và ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã triển khai thí điểm trồng rau trái vụ tại một số huyện ngoại thành. Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng sản xuất mới, giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2014, kế hoạch gieo trồng của huyện Chợ Mới khoảng 78.800 héc-ta lúa, màu. Huyện sẽ tập trung xuống giống dứt điểm vụ đông xuân trong tháng 12; cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu”; các địa phương nhanh chóng lên kế hoạch xả lũ, nạo vét kênh...

Đây sẽ là nguồn thu nhập lâu dài của các hộ tham gia dự án và là nơi tham quan học tập nghề vườn ở mỗi địa phương. Hiện có khoảng 780 hộ bước đầu có thu nhập hơn 700 triệu đồng từ vật nuôi và CAQ.

Những ruộng lạc đã đến kỳ thu hoạch ở xã Diễn Thịnh - vùng trồng lạc tập trung của huyện Diễn Châu (Nghệ An) phủ một màu đen héo úa. Vào vụ thu hoạch, nhưng nông dân không phấn khởi vì lạc bị giảm năng suất so với mọi năm...