Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Đây là mô hình nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản từ nguồn kinh phí "Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013". Sau khi mô hình này được chứng nhận sản xuất theo VietGAP sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm tiến tới khuyến khích áp dụng đại trà.
Theo Chi cục Thủy sản, qua khảo sát các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho thấy, cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, nguồn nước sử dụng đảm bảo chất lượng, không gần nguồn gây ô nhiễm..., nhất là chủ cơ sở nuôi rất nhiệt tình hợp tác trong việc xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để có thể được chứng nhận VietGAP, chủ cơ sở nuôi, nhân viên kỹ thuật, công nhân tại cơ sở nuôi tôm sẽ được giảng viên VietGAP của Chi cục Thủy sản đào tạo những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nuôi trồng thủy sản, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, nâng hiệu quả kinh tế; các yêu cầu và phương thức sản xuất theo VietGAP gồm có 68 tiêu chí; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho mô hình; tập huấn ghi chép hồ sơ biểu mẫu hệ thống cho mô hình, theo dõi hướng dẫn ghi chép thực tế, hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận... Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn hỗ trợ hộ nuôi dụng cụ theo dõi môi trường cho mô hình, dấu hiệu nhận biết hệ thống cơ sở nuôi...
Theo kế hoạch, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại hộ nuôi ông Trần Văn Mừng sẽ được thực hiện trong 2 năm (2013-2014). Dự kiến đến cuối năm 2013, các công đoạn đào tạo, tập huấn, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất... sẽ chuẩn bị xong. Sang vụ nuôi tôm chính vụ năm 2014, hộ nuôi chính thức bước vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đến cuối vụ nuôi sẽ tiến hành mời tổ chức chứng nhận đánh giá chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, giá gia cầm, nhất là gà, vịt liên tục giảm do người tiêu dùng lo sợ dịch cúm gia cầm. Tình trạng này lại khiến người chăn nuôi thua lỗ và không dám đầu tư tái đàn.

Nếu như ở các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân của huyện Tuy Phong, cây trôm đã và đang trở thành cây trồng lợi thế, thì tại huyện Hàm Thuận Nam, loại cây này cũng đang từng bước nhân rộng...

Trước tình hình có nhiều mẫu xét nghiệm gia cầm tại các huyện: Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ cho kết quả dương tính với cúm A (H5N1) và nguy cơ bùng phát dịch rất cao, vừa qua Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra tình hình thực tế dịch cúm gia cầm (DCGC) tại một số địa phương trong tỉnh...

Trong 2 ngày 25 và 26.2, ông Ota Noriya, Giám đốc Công ty TNHH Ota (Nhật Bản) dẫn đầu đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, khảo sát thực địa và tìm cơ hội triển khai Dự án trồng tre lấy bẹ mo.

Theo đó, các nông dân đã được truyền đạt một số kiến thức về cơ chế sinh trưởng, phát triển của cây trồng trong vụ đông xuân; kỹ thuật chăm sóc cây trồng và một số sản phẩm, quy trình, kỹ thuật sử dụng một số loại phân bón chất lượng cao, phù hợp với cây trồng, thổ nhưỡng của các địa phương.