Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Đây là mô hình nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản từ nguồn kinh phí "Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013". Sau khi mô hình này được chứng nhận sản xuất theo VietGAP sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm tiến tới khuyến khích áp dụng đại trà.
Theo Chi cục Thủy sản, qua khảo sát các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho thấy, cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, nguồn nước sử dụng đảm bảo chất lượng, không gần nguồn gây ô nhiễm..., nhất là chủ cơ sở nuôi rất nhiệt tình hợp tác trong việc xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để có thể được chứng nhận VietGAP, chủ cơ sở nuôi, nhân viên kỹ thuật, công nhân tại cơ sở nuôi tôm sẽ được giảng viên VietGAP của Chi cục Thủy sản đào tạo những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nuôi trồng thủy sản, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, nâng hiệu quả kinh tế; các yêu cầu và phương thức sản xuất theo VietGAP gồm có 68 tiêu chí; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho mô hình; tập huấn ghi chép hồ sơ biểu mẫu hệ thống cho mô hình, theo dõi hướng dẫn ghi chép thực tế, hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận... Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn hỗ trợ hộ nuôi dụng cụ theo dõi môi trường cho mô hình, dấu hiệu nhận biết hệ thống cơ sở nuôi...
Theo kế hoạch, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại hộ nuôi ông Trần Văn Mừng sẽ được thực hiện trong 2 năm (2013-2014). Dự kiến đến cuối năm 2013, các công đoạn đào tạo, tập huấn, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất... sẽ chuẩn bị xong. Sang vụ nuôi tôm chính vụ năm 2014, hộ nuôi chính thức bước vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đến cuối vụ nuôi sẽ tiến hành mời tổ chức chứng nhận đánh giá chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 1/2014, Việt Nam thu về trên 258,6 triệu USD từ XK tôm, trong đó tôm chân trắng chiếm tới gần 61% tỷ trọng với 157,6 triệu USD, trong khi tôm sú chỉ chiếm 31,18% với (80,64 triệu USD).

Không thể phủ nhận rằng hiện nay, tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây lâu năm khác, vì thế người dân ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đang đổ xô trồng tiêu. Ngành nông nghiệp tỉnh giờ đây đang gặp khó trước vấn đề quy hoạch, tìm hướng đi cho cây tiêu phát triển bền vững.

Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương bàn thảo và đi đến thống nhất về một chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ - đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh.

Vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 nông dân trên địa bàn thành phố trồng khoảng 2.000 ha mì. Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cho biết, hiện có khoảng 135 ha mì ở các xã, phường: Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Tân Bình, Bình Minh bị nhện đỏ tấn công.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo, từ ngày 17 - 23/3, tại các tỉnh phía Bắc, do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng về diện tích nhiễm và mức độ hại trên trà lúa xuân sớm giai đoạn đẻ rộ.