Xây dựng chợ văn minh nâng tầm chợ truyền thống

Mô hình chợ văn minh hình thành đã tạo môi trường thương mại hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân.
Khu vực chợ Ngã Sáu được phân chia rõ ràng, tạo sự thuận tiện cho người mua và người bán.
Thói quen có từ lâu của cả tiểu thương và người dân tại các chợ truyền thống, đặc biệt là chợ nông thôn, thường chỉ chú ý theo kiểu “thuận mua vừa bán”.
Nhiều người chưa quan tâm đến mặt bằng giá ra sao; chất lượng hàng hóa, cư xử trong mua - bán hàng như thế nào.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và tình hình phát triển thương mại - dịch vụ, sau nhiều năm, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cách quản lý, tích cực thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động của chợ nhằm xây dựng chợ theo hướng văn minh thương mại.
Cũng giống như các chợ khác, thời gian đầu chợ Búng Tàu, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng và hoàn thành các tiêu chí chợ văn minh.
Bước chuyển từ cái chợ tuổi trăm với cách bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng hiện đại gây không ít khó khăn cho tiểu thương.
Đặc biệt là những người đã từng gắn bó gần cả cuộc đời với chợ.
Nhưng nhờ “mưa dầm thấm lâu”, địa phương tuyên truyền nên hiện nay nhận thức của phần lớn tiểu thương ở đây được nâng lên.
Các kỹ năng về bán hàng, niêm yết giá, đạo đức kinh doanh đã được tiểu thương quan tâm.
Ngoài ra, thời gian gần đây tình trạng bán hàng rong, các hộ ven đường lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị không còn tái diễn.
Năm thứ hai được tái công nhận chợ văn minh, chợ Cái Sơn thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tiếp tục ghi dấu ấn đẹp trong lòng người dân.
So với vài năm trước, chợ Cái Sơn hôm nay đã trở nên sang trọng hơn trong mắt khách hàng bởi có nhiều điểm kinh doanh đảm bảo an toàn, uy tín.
Ngoài 71 ki-ốt trong các dãy nhà lồng chợ, dãy phố khang trang đã nâng tầm vóc chợ lên rõ rệt.
“Hiếm có chợ nào đi từ nhà lồng bách hóa cho đến chợ cá mà vẫn giữ được khô ráo cho đôi giày dưới chân.
Chợ Cái Sơn làm được! Các tiểu thương đều ý thức được việc giữ gìn vệ sinh nơi buôn bán.
Là một tiểu thương tôi cũng cố gắng giữ hình ảnh cho chợ được đẹp hơn, nhất là việc cân đo, bán đúng giá…”, chị Nguyễn Thị Thùy Oanh, tiểu thương ki-ốt bách hóa tổng hợp tại chợ, chia sẻ.
Ông Trần Trung Nhiệm, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết phong trào xây dựng chợ văn minh trên địa bàn đã được triển khai từ nhiều năm qua, các hộ kinh doanh đã nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật và nội quy của chợ.
Năm 2014, huyện có 6/14 chợ đạt danh hiệu chợ văn minh.
Bao gồm chợ Búng Tàu, chợ Cái Sơn, chợ Phú Khởi, chợ Hòa Mỹ, chợ Phương Phú, chợ Cầu Đình.
Hoạt động ở chợ từng bước đi vào nề nếp, thông thoáng và mỹ quan, tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đối với khách hàng.
Trong năm nay, huyện không đăng ký thực hiện thêm chợ mới, thay vào đó sẽ nâng chất, củng cố để được tái công nhận 6 chợ kể trên.
Là chợ trung tâm của thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chợ Ngã Sáu không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân địa phương mà còn trở thành địa điểm cung ứng nông sản cho các khu vực lân cận.
Trước đây, tình trạng tiểu thương buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường đã làm “đau đầu” chính quyền địa phương.
Nhưng từ khi xây dựng rào chắn bên ngoài cùng với công tác tuyên truyền vận động người dân và tiểu thương thì tình trạng trên đã được khắc phục.
Theo UBND thị trấn Ngã Sáu, hiện các tiểu thương buôn bán tự do đã vào khu chợ tự tiêu tự sản, còn các tiểu thương đăng ký lô, sạp cố định cũng trở về chỗ cũ.
Khu vực chợ bách hóa, rau quả hay chợ cá cũng được phân chia rõ ràng.
Cả tiểu thương và người đi chợ cũng hiểu rõ hơn trong xây dựng nếp văn hóa chợ.
Ông Trần Hoàng Bắc, Phó Phòng quản lý thương mại, Phó trưởng Đoàn khảo sát chợ văn minh năm 2015, cho rằng việc triển khai tốt các tiêu chí chợ văn minh cũng góp phần vào việc thực hiện văn minh thương mại, tạo nên môi trường thân thiện, đáng tin cậy cho chợ truyền thống.
Phong trào này đã được triển khai từ nhiều năm qua, các hộ kinh doanh đã nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật và nội quy của chợ.
Các chợ từng bước đi vào nề nếp, thông thoáng và mỹ quan, tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đối với khách hàng.
Tuy nhiên, về số lượng đăng ký còn hạn chế so với tổng số 70 chợ trên địa bàn tỉnh.
Duy nhất chợ Đông Phú (huyện Châu Thành) mới đăng ký năm nay thì hầu như các chợ đa phần đều xin tái công nhận.
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc 10 tiêu chuẩn về xây dựng hình ảnh chợ văn minh, những tiêu chí được Ban quản lý chợ và tiểu thương đặc biệt quan tâm hàng đầu là: phòng cháy, chữa cháy, an ninh, tinh thần đoàn kết, bán hàng uy tín, chất lượng, thái độ phục vụ tận tình, thân thiện, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn những “hạt sạn nhỏ” trong thực hiện xây dựng chợ văn minh.
Rõ ràng nhất là việc khi có đoàn của cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì địa phương, Ban quản lý chợ mới bắt đầu vận động người dân dọn dẹp, trang trí chợ cho đẹp.
Khi đoàn kiểm tra đi qua thì mọi việc lại “đâu vào đấy” như lúc đầu.
Do đó, chính ý thức của tiểu thương và cả Ban quản lý chợ mới là yếu tố duy trì được nếp chợ văn minh.
Xây dựng chợ văn minh góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách hàng, nhất là trong thời điểm các kênh bán hàng hiện đại đang ồ ạt chen chân vào thị trường tại Hậu Giang.
Các địa phương, Ban quản lý chợ cần đặt mục tiêu quyết tâm thực hiện xây dựng chợ theo hướng văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa với các hộ kinh doanh để chợ truyền thống luôn là điểm mua sắm thân thiện với người dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

Do biết cách làm ăn, thoát nghèo bền vững, nên dù làm công nhân, chị Trần Thị Minh vẫn được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bàu Dài (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) .

Theo điều tra của Chi cục BVTV, trong đợt phát động phòng trừ sâu bệnh từ ngày 1 đến 7-8, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân ra đồng phun thuốc. Tính đến ngày 4-8, diện tích được phòng trừ đạt khoảng 60%.