Xã vùng cao Đông Tiến chú trọng các giống mới sản xuất vụ hè thu

Trong vụ hè thu này, toàn xã Đông Tiến sẽ xuống giống khoảng 640 ha. Đến thời điểm này toàn xã xuống giống được hơn 382 ha. Trong đó lúa nước hơn 36 ha, 8 ha còn lại đang chờ nước từ các công trình thủy lợi để tiếp tục xuống giống. Bên cạnh đó bà con đã xuống giống 50 ha đậu, mè các loại và hơn 320 ha giống bắp lai. Theo dự kiến đến cuối tháng 7 này, bà con sẽ xuống giống tất cả diện tích đất sản xuất các loại.
“Sản xuất hè thu là vụ chính của bà con đồng bào vùng cao, vì thế công tác tập trung chăm sóc các cây trồng được chính quyền địa phương chú trọng đầu tư, quan tâm hỗ trợ. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ miền núi ứng trước cho gần 167 hộ đăng ký tham gia sản xuất. Trung tâm đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con sản xuất kịp thời vụ, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công”, ông K’ Văn Gòn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết.
Trong vụ hè thu này, địa phương đã hướng dẫn bà con mạnh dạn chuyển đổi các giống mới để sản xuất, nhất là các giống bắp lai DK 6919, VN 888, NK 67, VN 8960, CP888…
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện và tỉnh, hiện nay đang mùa mưa, thời tiết có nhiều thay đổi, làm cho tình hình dịch bệnh dễ xuất hiện và gây hại, vì thế bà con cần quan tâm theo dõi thường xuyên diện tích các loại cây trồng, để khi phát hiện bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây nên.
Những ngày cuối tháng 7, đứng giữa khu đất cao của trung tâm UBND xã Đông Tiến, nhìn đâu đâu cũng thấy một màu xanh trải dài theo các triền đồi. Cùng với sự chuyển đổi các giống mới vào sản xuất như cây bắp lai, lúa nước và các loại cây màu khác, hy vọng sẽ mang đến nhiều niềm vui cho bà con đồng bào vùng cao trong vụ sản xuất hè thu 2015.
Những năm gần đây, xã vùng cao Đông Tiến có nhiều chuyển biến trong sản xuất. Nhờ chính sách quan tâm đầu tư phát triển của tỉnh về các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào miền núi. Từ đó tạo đà cho sự thay đổi kinh tế vùng khó khăn ở xã miền núi nơi đây. “Hiện địa phương đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho bà con đồng bào tiếp cận với thị trường, dịch vụ, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, hạn chế tình trạng tư thương ép giá… Từ đó làm nền tảng góp phần giảm hộ nghèo ở địa phương, nâng cao và ổn định cuộc sống bà con”, ông K’ Văn Gòn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đông Tiến nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện nội dung đột phá “Nhà sạch-vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quản Bạ trong năm 2013, xã Quyết Tiến đã chọn thôn Vĩnh Tiến thực hiện làm điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 48/48 hộ gia đình của thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch - vườn đẹp”.

Sáng ngày 28/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thái Bình phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, UBND xã Nam Cường tổ chức hội thảo đánh giá mô hình thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Năm 2012, TT Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi giao cho Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ trực tiếp thực hiện mô hình nuôi tôm hùm lồng tại hộ ông Đỗ Văn Được, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, với qui mô 3 lồng nuôi (tổng thể tích 15 m3).

Với mục đích giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm quen với sản xuất sản phẩm sạch, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap.

Sau bão số 10, chúng tôi có mặt tại vườn cao su của Nông trường Cao su 1 thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đóng trên địa bàn xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Cả vườn cây cao su bạt ngàn mới mấy hôm còn reo với gió ngàn và chăm chỉ tích nhựa sống cho đời nay trở thành rừng cây đổ nát...