Xã Tả Lủng Phát Triển Chăn Nuôi Theo Nhóm Hộ

Trong những năm trở lại đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển KT - XH. Nhiều hộ dân đã biết đưa các loài vật nuôi mới, có giá trị vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; đặc biệt là mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ.
Gia đình anh Hoàng A Páo, thôn Há Chế là một trong những hộ điển hình trong xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ của xã. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình xây dựng Nông thôn mới, anh đã vận động 18 hộ thành lập nhóm hộ chăn nuôi lợn, thỏ và chim bồ câu để phát triển kinh tế.
Với số vốn được vay là 60 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 11 con lợn giống, 300 đôi bồ câu và 30 đôi thỏ, các con giống được anh lựa chọn kỹ càng, đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là giống lợn rừng. Sau 5 tháng triển khai, đến nay đàn lợn của gia đình anh đã tăng lên 32 con, trong đó có 16 con lợn rừng; bồ câu hơn 400 đôi và thỏ là 60 đôi; giá trị ước tính trên 150 triệu đồng.
Để đảm bảo cho mô hình đạt hiệu quả cao, anh tập trung mở rộng quy mô trang trại, học và tìm hiểu về các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các chế độ dinh dưỡng cho từng loại vật nuôi. Anh Páo chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi cũng thực hiện chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm; trong quá trình thực hiện thấy có hiệu quả, tôi đã họp bàn với một số gia đình khác cùng nhau tham gia nhóm hộ. Bước đầu thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm.
Được sự giúp đỡ của xã và tự tìm hiểu trên các trang mạng, đến nay việc chăn nuôi đã dần đi vào ổn định và có tỷ lệ tăng về đàn và chất lượng”
Từ hiệu quả bước đầu, anh Páo và các gia đình trong nhóm đã tiến hành nhân rộng ra các thành viên khác để cùng nhau phát triển kinh tế. Sau khi họp bàn, mỗi hộ sẽ nhận nuôi từ 3-6 đôi chim bồ câu và 1-2 con lợn tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình.
Trong 8 hộ nhận nuôi chim bồ câu thì hộ ông Mua Dũng Sính, thôn Tả Lủng B là một trong những hộ thực hiện đạt hiệu quả cao.
Mặc dù chưa có điều kiện xây dựng chuồng trại quy mô, nhưng ông đã chăm sóc và nuôi dưỡng rất tốt đàn bồ câu của mình; sau 1 tháng nhận nuôi, hiện đàn bồ câu nhà ông đã nhân lên gần gấp đôi. Ông Sính tâm sự: “Gia đình nhận nuôi 4 đôi chim bồ câu từ anh Páo, hiện chim đã đẻ được 3 đôi, tôi rất mừng và thấy nuôi chim bồ câu cũng dễ, không tốn kém và mất thời gian, chim nhanh lớn, dễ bán”.
Cùng với ông Sính, nhiều gia đình khác trong nhóm chăn nuôi của anh Páo đã thực hiện có hiệu quả và nhân rộng mô hình đến các hộ lân cận, qua đó giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong quá trình thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung, anh Páo và các hộ trong nhóm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình chăn nuôi tập trung mang lại, xã Tả Lủng đang từng bước đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung ra địa bàn toàn xã.
Là xã điểm về xây dựng NTM, Tả Lủng đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao và phù hợp để thực hiện. Mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ đang là một trong những hướng phát triển kinh tế mới của xã, mô hình không những đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực mà còn giúp các hộ dân đoàn kết gắn bó giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày này, đến thôn Tân Trại I, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chúng tôi chứng kiến không khí lao động thật sôi nổi, nhà nào cũng đầu tư trồng hồ tiêu. Bên cạnh việc thu mua cây choái bản địa, nhiều hộ còn ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An để mua cây choái. Giá một cây choái hiện tại giao động từ 150 đến 180 ngàn đồng, cao gấp 10 lần so với 5 năm về trước nhưng vẫn được nông dân đầu tư.

Từ nay đến tháng 2-2015, Vinamilk sẽ nhập thêm 3.000 con bò sữa và đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại công nghệ cao tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, dự kiến với tổng số 9 trang trại sẽ đáp ứng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong nước.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm 49,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2014 đã giảm 8% về lượng và giảm 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, mô hình nuôi sò huyết xen tôm trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh với 169 ha. Năng suất sò bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá từ vài tỷ đồng trở lên là tài sản lớn nên việc neo đậu an toàn trong bão lũ được ngư dân quan tâm. Nhớ lại những trận bão của nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Độc ở thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) không khỏi xót xa do chủ quan trong việc neo đậu tránh trú bão khiến tàu anh hư hỏng nặng.