Xã Hiệp Hòa (Thái Bình) Phát Triển Chăn Nuôi Bò

Xã Hiệp Hòa (Vũ Thư - Thái Bình) có hơn 2 km đê sông, diện tích đất phù sa bãi bồi ven đê rộng, phù hợp để trồng cỏ nuôi bò. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây người dân Hiệp Hòa đã tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tổng đàn bò toàn xã hiện có khoảng gần 300 con; tổng đàn lợn 6.618 con; tổng đàn gia cầm 17.767 con. Trước đây, chăn nuôi bò chủ yếu để lấy sức cày ruộng, kéo xe phục vụ sản xuất; ý thức về nuôi bò thịt để cung cấp cho thị trường, thu về lợi nhuận kinh tế chưa phổ biến, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ.
Mặt khác, nguồn thức ăn cho vật nuôi chủ yếu là tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp và từ nguồn cỏ phát triển tự nhiên ở ven đê. Những năm gần đây, chăn nuôi phát triển theo xu hướng hàng hóa, trong đó thịt bò thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất lớn, giá cả ổn định.
Kỹ thuật chăn nuôi bò dễ tiếp cận và nguồn thức ăn đa dạng, phong phú đáp ứng được chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy, người dân xã Hiệp Hòa đã nhanh chóng chuyển sang nuôi bò thịt.
Anh Đỗ Quý Tín (thôn An Để) là một trong những người sớm đầu tư vào chăn nuôi bò. Anh xây dựng trang trại nuôi bò từ đầu năm 2013, giống bò Brahman nhập từ Australia với 30 con trên trang trại rộng 2,5 ha, trong đó 2 ha trồng cỏ làm thức ăn cho bò, 0,5 ha xây chuồng trại.
Bước đầu nuôi bò cho hiệu quả và độ an toàn cao, anh Tín nhập thêm 40 con về nuôi. Anh chia sẻ: Từ ngày nuôi bò đến nay, tôi đã bán được 3 lứa bò vỗ béo (bò đực), 4 lứa bò sinh sản (bò đẻ) thu về 1,5 tỷ đồng. Đối với bò vỗ béo thu lãi từ 700 - 800.000 đồng/con/tháng, bò sinh sản thu lãi 500 - 600.000 đồng/con/tháng.
Theo anh Tín, nuôi thâm canh phù hợp với bò thịt, nuôi quảng canh phù hợp với bò sinh sản. Đợt xuất bán gần đây nhất là 15 con, vì vậy chuồng trại chỉ còn hơn 30 con, đợt tới anh dự định sẽ nhập thêm 20 con. Anh Tín rất phấn khởi vì chỉ trong thời gian ngắn, hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ nuôi bò của anh đã được tỉnh và huyện phê duyệt. Theo đó, anh sẽ được tỉnh hỗ trợ 175 triệu đồng để mua thiết bị, máy móc phục vụ chăn nuôi bò, huyện hỗ trợ 60 triệu đồng (3 triệu đồng/con).
Ông Nguyễn Trường Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Hiệp Hòa là địa phương có truyền thống thâm canh các loại cây màu như ngô, lạc, đậu, đỗ, khoai lang trên đất bãi và chân đất màu, đất nội đồng. Đây là nguồn nguyên liệu rất phong phú để chăn nuôi bò. Ngoài ra, khối lượng phụ phẩm từ lúa hàng năm rất rồi dào làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò như rơm, rạ.
Hiện tại, các hộ nuôi bò trên địa bàn xã đang có xu hướng tăng về số lượng, chất lượng bò nuôi, ngoài các hộ nuôi bò nhỏ lẻ ở 3 thôn còn có 3 trang trại ở thôn An Để. UBND xã đang triển khai hỗ trợ 3 triệu đồng/con cho những hộ nuôi từ 5 con trở lên. Bà con nông dân rất phấn khởi và huy động thêm vốn đầu tư tăng số lượng bò để nuôi.
Hiện nay, thu nhập của người nông dân còn thấp, vì vậy để tăng giá trị của ngành Nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn thì đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Thực tế cho thấy, đầu tư chăn nuôi bò là đầu tư bền vững, dễ nuôi, tận dụng được lao động và phụ phẩm nông nghiệp, ít chịu rủi ro về dịch bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, kỹ thuật chăn nuôi của các hộ gia đình hiện nay còn hạn chế, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự chủ động và hiểu biết đầy đủ về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh cho bò.
Sản lượng thịt bò còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương nên chưa thể xây dựng được kênh thị trường ổn định, khi xuất bán dễ bị thương lái ép giá. Ngoài ra, đa số các hộ chăn nuôi bò thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.
Vì vậy, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cũng như về vốn để bà con tiếp tục đầu tư vào nuôi bò, bảo đảm được năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển chăn nuôi bò cũng đang là mục tiêu quan trọng của Thái Bình để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Sự phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản ở Hiệp Hòa sẽ là tiền đề, tạo bước đệm cho việc triển khai chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Cải Xa-lát là loại cây trồng vụ Đông, đã được bà con nông dân xã Đạo Đức trồng đại trà trong những vụ Đông trước đây. Qua thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng ngắn ngày, công chăm sóc ít, nguồn tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.

Huyện Yên Minh vừa phát động phong trào sản xuất cây vụ Đông năm 2014. Theo kế hoạch, huyện triển khai gieo trồng 3.600 ha cây rau, đậu các loại, tăng gấp 5 lần so với vụ Đông năm 2013. Cụ thể: Gieo trồng 2.800 ha cây rau màu; trên 450 ha đậu; 100 ha khoai tây; 210 ha khoai lang.

Chiếm hơn 80% thị phần trên thế giới, do đó cá tra được xem là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song, vấn đề đáng buồn là nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ngày càng đi vào ngõ cụt, bởi giá cá bấp bênh càng sản xuất càng thua lỗ. Vì sao cá tra lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như vậy...

Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực xuất hiện nhiều gia trại, trang trại, cánh đồng mẫu lớn mang lại thu nhập cao. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân (HND) các cấp phát động trong những năm qua.