Xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk) Thêm Một Vụ Tiêu Được Mùa, Được Giá

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, người nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì tiêu được mùa. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu có nguồn thu hàng tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, người trồng tiêu ở xã Ea Ning được mùa, được giá. Anh Văn Ngọc Dũng (thôn 14, xã Ea Ning) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 1 héc ta tiêu, với 1.100 gốc sản lượng thu được gần 5 tấn. Trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu, thuê nhân công hái tầm 130.000 đồng/người/ngày hết khoảng 20 triệu, và trừ các khoản linh tinh khác thì cũng còn lại khoảng 450 triệu đồng”.
Hai vụ trước, cũng nhờ cây tiêu được mùa, giá cao, gia đình anh Dũng đã xây được nhà Thái, mua được ô tô. Anh Dũng cho biết thêm, nguồn thu năm nay sẽ tích lũy đầu tư sản xuất và cho con cái học hành. Còn bà Lê Thị Hằng (thôn 23) mới hái nửa vườn tiêu hơn 8 sào, đã được chừng 2 tấn tiêu khô. Bà cho biết, năm nay năng suất ước đạt 5 tạ/sào, cao nhích hơn năm ngoái.
Theo ông Phan Phước Thái, Trưởng thôn 23 xã Ea Ning, nhờ cây tiêu liên tiếp trúng mùa, đến nay đã có 70% trên tổng số 230 hộ trong thôn đều có cuộc sống khá giả, có hộ thu nhập lên tới cả tỷ đồng nhờ cây tiêu. Cả thôn chỉ còn 13 hộ nghèo. Có của ăn của để, người dân tích cực góp công, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng.
Cùng nhận định như ông Thái, ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết thêm: Sau khi chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi sâu bệnh và một số diện tích vườn tạp sang cây tiêu, đến nay toàn xã đã có hơn 700 ha diện tích hồ tiêu, trong đó gần 450 ha tiêu kinh doanh. Và phải mất 3-4 năm đầu tư chăm sóc cây tiêu trong nơm nớp lo âu vì sợ tiêu chết hàng loạt và giá cả thất thường, người trồng tiêu Cư Kuin mới có được 3 mùa vàng liên tiếp.
Cũng theo ông Thủy, nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân đầu người ở Ea Ning tăng nhanh, từ 10 đến 12 triệu đồng/người vào năm 2007, đến nay thu nhập đã hơn 24 triệu đồng/người; bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu nông thôn mới trên địa bàn, hiện xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi giới thiệu tới độc giả về đặc điểm và cách lựa chọn giống cá Nàng Hai sao cho hiệu quả trong quá trình nuôi, kỳ này, chúng tôi gửi tới độc giả về cách chuẩn bị ao nuôi để nuôi cá Nàng Hai thuận lợi.

Vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ - chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chinh phục thành công vùng cát trắng ven biển làm trang trại, tạo nên lối mở thoát nghèo, làm giàu cho nhiều người tại địa phương.

25/8 là thời điểm toàn tỉnh kết thúc vụ trồng rừng 2013, diện tích trồng đến nay đạt 95% kế hoạch (11.800ha). Mặc dù không đạt 100% kế hoạch nhưng đây cũng là diện tích rừng trồng khá lớn góp phần quan trọng vào việc phát triển 300.000ha rừng phục vụ công nghiệp chế biến gỗ vào năm 2015.

Trong tương lai gần nhiệt độ sẽ tăng lên từ 0,3-0,7 độ, và sẽ tăng 4 độ C trong cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu...

Bến Tre hiện có tổng diện tích 43.556ha nuôi trồng thủy sản, bao gồm tôm biển 32.106ha. Trong đó, tôm thâm canh, bán thâm canh 5.500ha (tôm sú 1.250ha, tôm thẻ chân trắng 4.250ha); tôm nuôi thả giống vụ 2 có diện tích khoảng 1.911ha. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra liên tục với tổng diện tích thiệt hại 1.322ha, chiếm 18% diện tích thả nuôi. Tôm chết có nhiều nguyên nhân nhưng hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là nguyên nhân khá phổ biến cần đặc biệt quan tâm.