Xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk) Thêm Một Vụ Tiêu Được Mùa, Được Giá

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, người nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì tiêu được mùa. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu có nguồn thu hàng tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, người trồng tiêu ở xã Ea Ning được mùa, được giá. Anh Văn Ngọc Dũng (thôn 14, xã Ea Ning) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 1 héc ta tiêu, với 1.100 gốc sản lượng thu được gần 5 tấn. Trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu, thuê nhân công hái tầm 130.000 đồng/người/ngày hết khoảng 20 triệu, và trừ các khoản linh tinh khác thì cũng còn lại khoảng 450 triệu đồng”.
Hai vụ trước, cũng nhờ cây tiêu được mùa, giá cao, gia đình anh Dũng đã xây được nhà Thái, mua được ô tô. Anh Dũng cho biết thêm, nguồn thu năm nay sẽ tích lũy đầu tư sản xuất và cho con cái học hành. Còn bà Lê Thị Hằng (thôn 23) mới hái nửa vườn tiêu hơn 8 sào, đã được chừng 2 tấn tiêu khô. Bà cho biết, năm nay năng suất ước đạt 5 tạ/sào, cao nhích hơn năm ngoái.
Theo ông Phan Phước Thái, Trưởng thôn 23 xã Ea Ning, nhờ cây tiêu liên tiếp trúng mùa, đến nay đã có 70% trên tổng số 230 hộ trong thôn đều có cuộc sống khá giả, có hộ thu nhập lên tới cả tỷ đồng nhờ cây tiêu. Cả thôn chỉ còn 13 hộ nghèo. Có của ăn của để, người dân tích cực góp công, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng.
Cùng nhận định như ông Thái, ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết thêm: Sau khi chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi sâu bệnh và một số diện tích vườn tạp sang cây tiêu, đến nay toàn xã đã có hơn 700 ha diện tích hồ tiêu, trong đó gần 450 ha tiêu kinh doanh. Và phải mất 3-4 năm đầu tư chăm sóc cây tiêu trong nơm nớp lo âu vì sợ tiêu chết hàng loạt và giá cả thất thường, người trồng tiêu Cư Kuin mới có được 3 mùa vàng liên tiếp.
Cũng theo ông Thủy, nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân đầu người ở Ea Ning tăng nhanh, từ 10 đến 12 triệu đồng/người vào năm 2007, đến nay thu nhập đã hơn 24 triệu đồng/người; bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu nông thôn mới trên địa bàn, hiện xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Tại lớp tập huấn, học viên được nghe giảng về nhiều nội dung. Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên được đi tham quan Trại Sản xuất giống ngao Cồn Cống, tỉnh Tiền Giang.

Trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin (chất độc Màu da cam) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta, nhất là thị trường xuất khẩu trà.

Mặc dù thời gian “định cư” ở Ninh Thuận chưa lâu nhưng cây táo xanh đã nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Táo Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, đầu ra bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường là thực tế khiến nhiều nông dân lo lắng.

Ngày 4/12, ông Vương Hưng Tuân cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nông dân trong xã đã trồng được 380ha hoa lay-ơn, trong đó có 245ha dự tính sẽ nở vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Trong số các công ty cổ phần chuyển đổi hình thức hoạt động từ Doanh nghiệp Nhà nước sang thì Công ty Cổ phần chè Hùng An nổi lên trên địa bàn huyện Bắc Quang và trong tỉnh với những năng lực vượt lên trong khó khăn của việc cạnh tranh thương hiệu, thị trường, giữ vững ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các nghĩa vụ, chế độ chính sách với Nhà nước, người lao động (NLĐ).