Xã Cán Khê Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế Đồi Rừng

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Cán Khê (Như Thanh) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo chân cán bộ xã đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình anh Cầm Tổng Đồng, ở thôn 7, được biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2007, gia đình anh đã mạnh dạn nhận 2 ha đồi rừng, trong đó đầu tư trồng 1,5 ha cây keo, diện tích còn lại trồng cây nghệ, chanh, đồng thời chăn nuôi thêm lợn, gà, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng.
Còn gia đình anh Lưu Văn Hải, ở thôn 2, trước đây cũng là hộ nghèo, nhưng được tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã nhận 10 ha đất đồi rừng để cải tạo, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, với 1 ha trồng keo, 8 ha trồng luồng... bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu từ 150 đến 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Khê, cho biết: Năm 1999, thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, xã Cán Khê đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên kết trồng rừng với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giao đất đồi rừng cho các hộ dân quản lý, sử dụng.
Xã còn phối hợp với các phòng, ban của huyện, ngân hàng giúp người dân tìm nguồn cung ứng giống, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong ươm trồng, chăm sóc đồng thời tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất...
Nhờ chỉ đạo tập trung, những năm gần đây phong trào phát triển kinh tế đồi rừng đã được các chủ rừng trong xã ủng hộ và làm theo. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã tham gia trồng gần 200 ha rừng sản xuất, phòng hộ từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng của huyện; cùng với đó là hàng trăm ha rừng trồng do người dân tự đầu tư.
Đến nay, xã Cán Khê đã có 1.200 ha rừng các loại, trong đó có nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như keo, luồng, cao su... cho doanh thu bình quân mỗi năm đạt gần 20 tỷ đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, xã Cán Khê còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã trồng được 150 ha mía, năng suất bình quân đạt gần 50 tấn/ha. Ngoài ra, xã duy trì 258 ha cây vải thiều, bưởi, chanh...
Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt 11 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 37%. Hiện, hệ thống trường học, trạm y tế, đường giao thông được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp; hệ thống kênh mương nội đồng từng bước được đầu tư, tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất.
Đảng bộ xã Cán Khê xác định lâm nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã. Do đó, sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n132526/Xa-Can-Khe-day-manh-phat-trien-kinh-te-doi-rung
Có thể bạn quan tâm

Sáng 4.9, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổng kết mô hình Nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt vùng miền núi.

Dù lũ nhỏ, nhưng ngư dân vẫn trúng đậm những mẻ cá xát sông. Người dân chuyên đánh bắt cá mùa lũ trên địa bàn TP. Long Xuyên (An Giang) cho biết: Mùa này, lượng cá xát tập trung phía sau bè cá để ăn thức ăn thừa, chỉ cần dùng vợt xúc là dính. Cá xát sông kích thước nhỏ, thịt ngon, ngọt, được bạn hàng bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bưng thau cá dưới sông lên chợ bán, anh Trần Văn Hai (ngụ cồn Phó Ba) cho biết: “Mỗi buổi chiều, tôi xúc dính khoảng 5kg cá xát sông, bạn hàng thu mua với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, bỏ sở hụi cũng kiếm được gần 200.000 đồng/ngày”.

Do đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, bãi bồi ven biển ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh rất thích nghi nuôi nghêu thịt. Nuôi nghêu thịt đem lại lợi nhuận rất cao, ít rủi ro, ít tốn công chăm sóc, từ khi thả giống khoảng 10 - 14 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Đến đầu tháng 9, diện tích thả tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang hơn 98.410 ha, vượt 9,34% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.528 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 20.000 ha và còn lại là tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn, đạt gần 58% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ.

Trong năm 2015, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm tại Việt Nam khoảng 20 tỷ con tôm giống.