Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vượt Khó Nhờ Chăn Nuôi

Vượt Khó Nhờ Chăn Nuôi
Ngày đăng: 22/02/2014

Theo anh Quàng Văn Phiêu ở bản Pó Lý, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La): “Chăn nuôi rất quan trọng với kinh tế hộ. Dù nghèo nhưng nếu nuôi thêm được 5-7 mái gà, 1-2 con lợn hoặc 3-4 con dê là mỗi năm tăng thu thêm tiền triệu đấy...”.

Tích tiểu thành đại

Anh Phiêu được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm liền, với mức thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng từ trồng ngô và kinh doanh dịch vụ nông sản. Nhưng khi đến nhà anh Phiêu, chúng tôi vẫn thấy có nhiều chuồng trại chăn nuôi gà, lợn...

Anh nói: “Làm nông dân thì phải biết chú trọng chăn nuôi. Kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ ấy, nếu không làm nguồn thực phẩm để đảm bảo thức ăn cho gia đình thêm tươi, thì sau nhiều ngày có thể bán được tiền triệu ngay. Ngay cả lúc tôi còn đói nghèo vẫn nuôi mấy con lợn, chục con gà, vịt.

Tuy cũng có ngày chẳng có gì cho chúng ăn nhưng cuối năm vẫn bán được mấy triệu bạc. Thế là có một khoản vốn để nhân đàn lớn hơn trong năm sau. Vợ chồng tôi đã đi lên bằng cách ấy và bây giờ tôi vẫn thích chăn nuôi nhưng với số lượng lớn hơn nhiều...”.

Đến với bản Kích, xã Pác Ma- Pha Khinh của huyện Quỳnh Nhai, nơi cả bản đều có mức thu nhập ở diện nghèo và cận nghèo nhưng hầu như nhà nào cũng có mấy con gia cầm, vài con lợn thịt, lợn nái...

Ông Hoàng Văn Dun - cán bộ bản giải thích: “Đây là cách xoá nghèo túng của chúng tôi. Bản vận động nhà ai cũng cố gắng nuôi lấy mấy con gia súc, gia cầm truyền thống, hộ có điều kiện hỗ trợ hộ khó khăn để tạo con giống cho nhau. Khi vào năm học mới, dịp tết, bán mấy con gà, con lợn là có tiền sắm quần áo mới cho con, thậm chí mua được cả tivi, đầu đĩa để nâng cao chất lượng cuộc sống”.

“Nhưng chăn nuôi kiểu này cũng phải biết cách. Dân nghèo thì chỉ chăn nuôi bằng phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn rơi vãi, kiếm được trên rừng, thậm chí bỏ đói vật nuôi mấy ngày. Vì thế đừng có chọn những giống con vật nuôi công nghiệp vì đói, rét là chúng chết ngay. Phải nuôi lợn bản, gà bản thì chúng mới biết tự tìm thức ăn. Phải nuôi số lượng ít theo kiểu tận thu và dứt khoát phải tiêm phòng dịch bệnh” - ông Dun cho hay.

Chăn nuôi để xóa nghèo túng

Sơn La hiện có đàn gia súc lớn nhất vùng Tây Bắc với gần 158.400 con trâu, trên 195.600 con bò, hơn 463.000 con lợn, đàn dê có tới 146.132 con...

Tuy là tỉnh miền núi với 80% dân số làm nông nghiệp, lợi thế đồng cỏ và thức ăn chăn nuôi sẵn có, nhưng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Sơn La vẫn chưa được quan tâm và minh chứng là khá nhiều nguồn thực phẩm cùng những giống vật nuôi truyền thống lợn, gà, vịt, trâu, bò… vẫn phải nhập từ nơi khác về. Phải tới gần đây, nghề chăn nuôi nông hộ mới được quan tâm đúng mức.

Nói quan tâm đúng mức là vì có Nhà nước đổ vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, còn người dân cũng dồn lực vào chăn nuôi. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm 2013 dù có nhiều bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, giá cả nhưng kết quả chăn nuôi vẫn tăng trưởng mạnh, đóng góp gần 50% vào tổng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trong đó, đàn trâu tăng 3%, đàn bò tăng 9,3%, đàn lợn tăng 18,4%, đàn dê tăng 20%, đàn gia cầm giảm 1,2%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng 35,7%, sản lượng sữa bò tươi tăng 22,1% và quan trọng nhất là “cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong tỉnh”.

Ông Mùa A Tu - dân bản Bún, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, từng chăn nuôi tới mấy chục con trâu, bò trong nhiều năm qua, tâm sự: “Bây giờ Nhà nước quan tâm, cho cán bộ dạy cách làm, cho dân vay vốn, cấp nhiều con giống tốt, có dịch vụ chăn nuôi, có cán bộ thú y bám dân, bám bản nên chăn nuôi thuận lợi lắm. Nhưng khổ nhất vẫn là thời tiết và dịch bệnh, nếu người dân được hỗ trợ tốt hơn để giảm thiểu thiệt hại về giá rét và dịch bệnh thì chắc chắn nghề chăn nuôi sẽ phát triển hơn nhiều”.


Có thể bạn quan tâm

Ngư Dân Vui Đón Ngư Dân Vui Đón "Lộc Biển"

Những ngày đầu năm 2015, khí trời ấm áp sau những ngày giá buốt, trên biển có rất nhiều đàn cá, tôm, mực, ghẹ xuất hiện. Đó là tín hiệu vui cho ngư dân ven biển. Cùng vì vậy, sau những ngày ra khơi, các tàu cá trở về đầy ắp tôm cá, báo hiệu một mùa đánh bắt bội thu...

12/01/2015
Hiệu Quả Nuôi Lươn Giống Hiệu Quả Nuôi Lươn Giống

Khởi nghiệp từ nuôi cá lóc, cá rô đến nuôi ếch, nuôi rắn và anh Đặng Ngọc Sang (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn thành công với mô hình nuôi lươn giống. Nhờ chất lượng lươn giống tốt và sự hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân nên thương hiệu “Lươn giống Hai Đo” đã và đang lan xa trong và ngoài tỉnh.

12/01/2015
Tập Trung Cho Vụ Nuôi Mới Tập Trung Cho Vụ Nuôi Mới

Năm vừa qua, giá tôm ổn định ở mức cao nên có hơn 67% hộ nuôi có lãi, đặc biệt là hộ nuôi thành công đều đạt lợi nhuận trên 40% so với chi phí đầu vào. Tuy sản lượng cao nhưng mức độ tôm nuôi bị thiệt hại cao nhất trong khu vực. Đây cũng là điều mà UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung mọi biện pháp để giảm tỉ lệ hộ nuôi xuống dưới 20% trong vụ nuôi năm 2015.

12/01/2015
Thủy Sản Việt Nam Kỳ Vọng Bứt Phá Thủy Sản Việt Nam Kỳ Vọng Bứt Phá

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài, XK thủy sản năm 2014 vẫn đạt khoảng 7,8 - 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Có kết quả này là do ngành thủy sản đã nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi cũng như tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu.

12/01/2015
Chăn Nuôi Thủy Sản Đang Từng Bước Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Đang Từng Bước Phát Triển

Phát huy lợi thế mặt nước, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được nhiều hộ dân quan tâm, mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập cho người dân.

12/01/2015