Vượt Khó Làm Giàu

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Xuân, chị Phan Thị Thanh Dung, ở xóm 2, thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, với mô hình kinh tế tổng hợp VAC, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Vợ chồng anh Xuân là tấm gương điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 1991 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh đã tham gia làm cộng tác viên y tế thôn bản, rồi gặp và lập gia đình với chị Phan Thị Thanh Dung đang làm nghề dạy trẻ tại địa phương. Do hàng tháng tiền phụ cấp của một cán bộ y tế thôn bản và cô giáo nuôi dạy trẻ không đáng bao nhiêu nên cuộc sống vợ chồng anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy diện tích đất hoang hóa phía tây của xã còn nhiều, năm 2003, họ đã mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương được khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế.
Sau khi cải tạo được 3 ha đất hoang, vợ chồng anh Xuân đã vay vốn đầu tư trồng dưa hấu theo hình thức quảng canh để tích lũy vốn tính chuyện làm ăn lâu dài. Với 3 ha đất ruộng trồng dưa, cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm.
Đến năm 2005, anh chị đã tích lũy được một ít vốn đề đầu tư mở rộng mô hình kinh tế. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", năm 2005 vừa tiếp tục trồng dưa, vợ chồng anh lại quyết định đào thêm 4 sào ao thả nuôi cá nước ngọt và dựng tạm một khu chuồng chăn nuôi thêm vài con lợn nái để tăng thu nhập.
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc cũng như thả nuôi cá nước ngọt nhưng nhờ quá trình tự học tập, tìm hiểu qua các loại sách báo, tài liệu hướng dẫn, qua quá trình tham quan, học tập ở nhiều nơi, vợ chồng anh chị ngày càng nắm vững các kỹ thuật quan trọng, cần thiết áp dụng vào sản xuất hiệu quả, cho năng suất cao.
Có thêm kinh nghiệm và vốn liếng trong tay, năm 2007, vợ chồng anh chị đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xây dựng mới 120m2 chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô khép kín, hiện đại. Đồng thời, mở rộng diện tích ao hồ nuôi cá lên 1 ha. Ngoài ra, vợ chồng anh còn trồng 3 ha cao su và nuôi gà. Hiện, vợ chồng anh luôn duy trì nuôi 80-100 con lợn thịt mỗi lứa, mỗi năm 3 lứa cho xuất chuồng khoảng 20 tấn lợn hơi/năm, chăn nuôi 10-15 con lợn nái, bình quân hàng năm xuất bán được 200 con lợn giống, 1.200 con gà thịt.
Từ tiền bán lợn giống, lợn thịt và tiền bán gà, mỗi năm gia đình anh chị có nguồn thu nhập gần 900 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi lợn, trên diện tích 1 ha mặt nước, mỗi năm anh chị sản xuất khoảng 10 vạn con cá giống các loại, thả nuôi 4 vạn con cá rô phi và 500 con cá trắm cỏ, cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh những khoản thu nhập lớn từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả nuôi cá nước ngọt, hiện nay 3 ha cao su đang thu hoạch lứa đầu tiên, gia đình anh chị cũng có thêm khoản thu nhập 120 triệu đồng/năm.
Không chỉ giỏi trong làm ăn kinh tế, anh Nguyễn Văn Xuân còn là một đảng viên, hội viên cựu chiến binh, hội viên nông dân gương mẫu, chị Phan Thị Thanh Dung là một hội viên phụ nữ gương mẫu, có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương. Vừa qua, anh chị đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà động viên.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo được nguồn giống đủ lớn nhắm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh.

Đến hết tháng 5-2014, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 2.954 ha, diện tích thu hoạch 1.478 ha, sản lượng thu hoạch hơn 335 nghìn tấn cá tra. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 4-2014 đạt đỉnh điểm với mức 27 nghìn đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi để tái sản xuất.

Theo tin từ UBND thành phố Hội An cho biết, trong 5 tháng đầu năm, ngư dân Hội An đã khai thác được hơn 8 nghìn tấn thủy sản các loại, đạt 60,4 % kế hoạch năm.

UBND tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng nâng cao công suất để tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả nghề cá; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thông qua các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, HTX đánh bắt xa bờ, nghiệp đoàn nghề cá,…

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 30/5/2014, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 14.000 ha (nguyên nhân do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha và một số bệnh khác.