Vươn lên từ mô hình chăn nuôi kết hợp

Năm 1972, bà Khiển lập gia đình. Tài sản cha mẹ để lại cho bà là căn nhà lá lụp xụp và 2.000m2 đất. Để kiếm sống, gia đình bà phải đi làm thuê do không có tiền đầu tư sản xuất trên mảnh đất của mình. Rồi bà sinh con, cuộc sống trở nên chật vật hơn. Năm 1992 chồng bà bỏ đi, để lại mình bà nuôi 7 người con.
Thấy gia cảnh của bà Khiển, Hội Nông dân phường Chánh Mỹ đã hỗ trợ gia đình bà vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để làm ăn. Có tiền, bà bắt đầu mua dê về nuôi; tận dụng diện tích mặt nước cạnh nhà, bà nuôi thêm cá và trồng hoa súng để tăng thu nhập. Hội Nông dân phường còn hỗ trợ thêm cho bà về cá giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…
Ban đầu bà Khiển chỉ nuôi 2 con dê giống, 1 tháng sau mua thêm 2 con. Đến nay đàn dê của gia đình bà đã tăng lên 150 con. Bà Khiển cho hay, nuôi dê đem lại hiệu quả cao hơn những vật nuôi khác. Dê là động vật nhai lại, ăn tạp, vì thế thức ăn của chúng cũng đơn giản là các loại lá, cây cỏ, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nên ít tốn chi phí. Trung bình nuôi khoảng 4 tháng dê bắt đầu sinh sản; mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1 - 3 con. Hiện nay, đầu ra cho dê cũng khá thuận lợi. Các thương lái thường tìm đến nhà để mua, có những thời điểm không đủ nguồn dê để cung cấp. Mỗi năm gia đình bà xuất bán khoảng 60 con, thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
Ngoài dê, ao cá rộng 5.000m2, bà Khiến nuôi các loại cá điêu hồng, tai tượng, rô phi cho thu nhập thêm khoảng 60 triệu đồng/năm. Bà còn tận dụng ao nuôi cá để trồng bông súng với thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Với sự cần cù, chịu khó của bà và các thành viên trong gia đình, cùng với sự hỗ trợ kịp thời về vốn, kỹ thuật chăn nuôi từ địa phương, đến nay mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng không chỉ giúp gia đình bà Khiển thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá. Bên cạnh đàn dê 150 con, đàn trâu, bò 15 con… bà còn trồng sen, súng và nuôi cá; tổng thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Kinh tế gia đình ổn định, bà Khiển có điều kiện lo cho con cái ăn học đàng hoàng và có công việc ổn định. Bà chia sẻ: “Nhờ được sự giúp đỡ rất lớn của địa phương, gia đình tôi mới cải thiện được cuộc sống như hiện nay. Tới đây, gia đình cũng sẽ đầu tư thêm vào sản xuất, chăn nuôi để kinh tế gia đình ổn định hơn, xây dựng lại nhà cửa khang trang hơn”.
Ông Vương Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Mỹ cho biết, trong những năm qua, công tác giảm nghèo tại địa phương luôn được Đảng ủy, UBND phường quan tâm. Cuối năm 2010, phường có 135 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, đến nay chỉ còn 50 hộ nghèo. Phường phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch giảm nghèo, đạt mức dưới mức 1%.
Có thể bạn quan tâm

Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh huyện Nam Trà My ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên sau 5 năm trồng và chăm sóc cho lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/ha. Vì thế, đây là cây thoát nghèo của người dân địa phương.

Vụ hè thu 2015, huyện Phước Sơn tổ chức sản xuất trên khoảng 40% diện tích so với tổng diện tích đông xuân 2014 - 2015. Tuy không bị áp lực cao bởi nắng hạn do vụ hè thu thường xuất hiện mưa dông, song do quản lý vận hành một số công trình thủy lợi, hồ chứa chưa tốt đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, bên cạnh việc các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò “bà đỡ” thì nông dân nhiều địa phương cũng rất năng động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ngày đầu thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã thực sự trở thành “phao cứu sinh: đối với ngư dân. Ngay đầu năm 2015 đã có 2 gia đình ngư dân trong tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ lớn để hiện thực hóa ước mơ đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển để làm ăn hiệu quả hơn.

Tuy mang lại hiệu quả lớn nhưng hiện giờ, việc liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống (DN) lại khó mở rộng diện tích vì nhiều lý do. Trong đó có chuyện nông dân và HTX chưa thực sự đặt niềm tin vào DN…