Vươn Lên Khá Giàu Từ Nuôi Bò Lai Và Trồng Rừng

Nói về những người nông dân vươn lên làm ăn khá giàu từ nuôi bò, trồng keo lai ở thôn Gia Vấn (xã Mỹ Hòa - huyện Phù Mỹ - Bình Định), phải kể đến ông Hà Văn Ba.
Gia đình ông Ba “đùm túm” từ thôn Mỹ Hội 1 (xã Mỹ Tài) lên đất Gia Vấn này lập nghiệp cũng đã khá lâu. Bên cạnh làm ruộng để có gạo nấu; đào ao trong vườn thả cá; rồi trồng rau màu lấy thức ăn và bán để tích cóp thêm cho cuộc sống, ông bà tận dụng và phát huy quỹ đất khá rộng ở đây để nhen nhúm nuôi 1 - 2 con bò cỏ dưới tán vườn điều…
Sau khi kiên trì theo đuổi phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi bò lai, rơm ruộng lúa kết hợp trồng cỏ voi cho bò ăn, gạo có dư thì nấu cháo, trộn với cám cho bò sinh sản uống, lấy sức khi bò có chửa, khi bò sinh đẻ, nên hàng năm mỗi bò cái sinh một bê con khỏe, chắc, chóng lớn, bán giống rất chạy, mà cao tiền, nên có năm bán vài nghé giống đã thu 70- 80 triệu đồng, có năm thu về cả trăm triệu đồng, giờ cả đàn bò lai hiện vẫn còn 20 con lớn nhỏ.
Bà Võ Thị Chí, vợ ông Ba, đang cắt cỏ voi trong vườn nhà cho bò ăn, bộc bạch: “Nhà tui trồng 3 sào cỏ voi, cắt cho bò ăn rồi, bón phân, tưới nước, cứ vậy mà vẫn không kịp cho bò cái sinh sản và bê con ăn, chứ bò thịt thì họa hoằn khi thúc vỗ béo để bán thì mới cho ăn cỏ voi. Mình lo cho bò chu đáo, mà lo cho nó chu đáo chừng nào thì nó lại cho mình thu nhập cao chừng nấy”.
Cùng với nuôi bò, từ buổi đầu đặt chân lên đây, ông Ba đã trồng vài ha điều, nhưng hiệu quả không cao, nên từng bước chuyển sang trồng keo, kết hợp tận dụng thêm đất rừng từ các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư phát triển được 10 ha keo lai. Hiệu quả từ trồng rừng rất rõ rệt, ông đã xuất bán một số diện tích rừng đến kỳ thu hoạch, đem về mấy trăm triệu đồng, số còn lại giá trị cũng trên nửa tỉ đồng.
Hơn chục năm qua, từ nuôi bò, nhất là bò lai, chủ yếu bán bê giống, gia đình ông Ba có thu nhập khá cao, ngoài việc lo 7 người con ăn học, dựng vợ gả chồng, đầu tư mua sắm đất đai, rẫy rừng cho con cái…, vợ chồng ông còn dành một phần tiếp tục xây dựng trang trại, gồm đào hai ao nuôi cá, chuyển dần diện tích điều kém hiệu quả sang trồng keo lai kết hợp phát triển đàn bò lai chất lượng tốt hơn.
Ông vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, quy mô, nhiều gian rộng thoáng, có chỗ đi lại, có máng ăn, có chậu nước uống cho riêng từng con bò và hệ thống nước rửa chuồng mỗi sáng sau khi bò đi ăn…
Tạm biệt trang trại của ông Ba, chúng tôi tin rằng, gia đình ông sẽ có những mùa thu hoạch tốt hơn trên con đường vươn lên khá giàu từ nuôi bò, trồng rừng kinh tế...
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi thủy sản Afiex đã sản xuất hơn 70.000 tấn thức ăn chăn nuôi đưa ra thị trường, với các loại sản phẩm: Thức ăn cho heo, cá giống, vịt đẻ, cá có vẩy… đạt doanh số gần 1.000 tỷ đồng. Sản phẩm của xí nghiệp liên tục được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 10 thương hiệu – nhãn hiệu chăn nuôi nổi tiếng Việt Nam 2014.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 vừa qua, thời tiết thuận lợi, giá cả một số loại thủy sản tăng đã khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Trong năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau gần 480.000 tấn, đạt 104% kế hoạch, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thuận (tổ dân phố Hậu Phước, phường Ninh Hà) cho biết: “Nuôi tôm trái vụ nếu gặp thời tiết thuận lợi thì có lãi, nhưng gặp mưa bão thì mất trắng. Cũng vì sự bấp bênh ấy mà người dân không dám thả nuôi nhiều”. Năm 2013, 2 vụ nuôi chính, gia đình ông Thuận thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông tiếp tục thả nuôi vụ phụ vào mùa đông với 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, 6.000 con cua, 3.000 con cá dìa.

Cá bông lau là loài da trơn, thân mình thon dài, đuôi đỏ, chỉ đánh bắt trong môi trường tự nhiên nên cá được nhiều người ưa chuộng bởi thịt trắng, sạch, béo, mùi thơm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Loài cá này không dễ đánh bắt, ngày nay lại càng hiếm hơn khiến giá bán rất cao, từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, có khi bắt được cá lớn bán được cả triệu đồng. Theo kinh nghiệm riêng, người đánh bắt xác định những vùng nước có ổ cá để giăng lưới, rồi nằm tài đợi cả đêm cũng như dân chạy xe ôm chờ khách.

Ngày 10-2, các chủ thu mua tôm hùm giống tại đường Hàm Tử, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn cho biết, giá tôm hùm bông giống cao nhất là 370 nghìn đồng/con đối với tôm hùm bông từ đầu vụ thì nay đã giảm còn 170 nghìn đồng/con. Còn đối với tôm hùm xanh, dao động ở mức 70 nghìn đồng/con.