Vươn Lên Khá Giàu Từ Nuôi Bò Lai Và Trồng Rừng

Nói về những người nông dân vươn lên làm ăn khá giàu từ nuôi bò, trồng keo lai ở thôn Gia Vấn (xã Mỹ Hòa - huyện Phù Mỹ - Bình Định), phải kể đến ông Hà Văn Ba.
Gia đình ông Ba “đùm túm” từ thôn Mỹ Hội 1 (xã Mỹ Tài) lên đất Gia Vấn này lập nghiệp cũng đã khá lâu. Bên cạnh làm ruộng để có gạo nấu; đào ao trong vườn thả cá; rồi trồng rau màu lấy thức ăn và bán để tích cóp thêm cho cuộc sống, ông bà tận dụng và phát huy quỹ đất khá rộng ở đây để nhen nhúm nuôi 1 - 2 con bò cỏ dưới tán vườn điều…
Sau khi kiên trì theo đuổi phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi bò lai, rơm ruộng lúa kết hợp trồng cỏ voi cho bò ăn, gạo có dư thì nấu cháo, trộn với cám cho bò sinh sản uống, lấy sức khi bò có chửa, khi bò sinh đẻ, nên hàng năm mỗi bò cái sinh một bê con khỏe, chắc, chóng lớn, bán giống rất chạy, mà cao tiền, nên có năm bán vài nghé giống đã thu 70- 80 triệu đồng, có năm thu về cả trăm triệu đồng, giờ cả đàn bò lai hiện vẫn còn 20 con lớn nhỏ.
Bà Võ Thị Chí, vợ ông Ba, đang cắt cỏ voi trong vườn nhà cho bò ăn, bộc bạch: “Nhà tui trồng 3 sào cỏ voi, cắt cho bò ăn rồi, bón phân, tưới nước, cứ vậy mà vẫn không kịp cho bò cái sinh sản và bê con ăn, chứ bò thịt thì họa hoằn khi thúc vỗ béo để bán thì mới cho ăn cỏ voi. Mình lo cho bò chu đáo, mà lo cho nó chu đáo chừng nào thì nó lại cho mình thu nhập cao chừng nấy”.
Cùng với nuôi bò, từ buổi đầu đặt chân lên đây, ông Ba đã trồng vài ha điều, nhưng hiệu quả không cao, nên từng bước chuyển sang trồng keo, kết hợp tận dụng thêm đất rừng từ các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư phát triển được 10 ha keo lai. Hiệu quả từ trồng rừng rất rõ rệt, ông đã xuất bán một số diện tích rừng đến kỳ thu hoạch, đem về mấy trăm triệu đồng, số còn lại giá trị cũng trên nửa tỉ đồng.
Hơn chục năm qua, từ nuôi bò, nhất là bò lai, chủ yếu bán bê giống, gia đình ông Ba có thu nhập khá cao, ngoài việc lo 7 người con ăn học, dựng vợ gả chồng, đầu tư mua sắm đất đai, rẫy rừng cho con cái…, vợ chồng ông còn dành một phần tiếp tục xây dựng trang trại, gồm đào hai ao nuôi cá, chuyển dần diện tích điều kém hiệu quả sang trồng keo lai kết hợp phát triển đàn bò lai chất lượng tốt hơn.
Ông vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, quy mô, nhiều gian rộng thoáng, có chỗ đi lại, có máng ăn, có chậu nước uống cho riêng từng con bò và hệ thống nước rửa chuồng mỗi sáng sau khi bò đi ăn…
Tạm biệt trang trại của ông Ba, chúng tôi tin rằng, gia đình ông sẽ có những mùa thu hoạch tốt hơn trên con đường vươn lên khá giàu từ nuôi bò, trồng rừng kinh tế...
Có thể bạn quan tâm

Nhà nước vay tiền làm hệ thống công trình thủy lợi, người phải trả là dân. Cứ theo nhận định trên của GS Võ Tòng Xuân, thì hóa ra lâu nay, ngoài việc ép giá nông dân để mua rẻ gạo, các DN xuất khẩu gạo của ta còn mang cả số tiền mà nhà nước phải đi vay để đầu tư cho hạt gạo, đi biếu không nước ngoài, trong khi họ đã giàu nứt đố đổ vách.

Dân gian có câu, “đánh rắn, phải đánh dập đầu”. Thế nhưng cách xử lí vi phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở ta hiện nay còn khá lúng túng.

Bà Chế, một thương lái nấm tại xã Hố Nai cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi thu mua hàng chục tấn nấm mà lượng bán ra rất chậm, gọi điện hỏi bạn hàng thì họ nói tạm thời ngưng mua vì phía Bắc “ăn” hàng chậm”. Hiện bà Chế đang tồn gần 80 tấn nấm, nếu không tiêu thụ nhanh, thiệt hại có thể lên đến cả tỷ đồng.

Hiện xã đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi vịt; thời gian tới sẽ phát triển tổ liên kết chăn nuôi bò thành tổ hợp tác nuôi bò để hỗ trợ nông dân. Xã cũng đang làm hồ sơ vay vốn cho 17 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi.

Trước đây, nhắc đến Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), là người ta nghĩ ngay đến vùng trọng điểm trồng đậu tương. Nhưng vài năm trở lại đây, cây sắn đang dần thay thế vị trí của đậu tương, bởi những lợi thế về đầu ra, quá trình chăm sóc, thu hoạch.