Vững tâm khi tham gia bảo hiểm tàu cá

Tàu cá của bà Phạm Thị Bê ngụ tại xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi không may gặp nạn trên biển vào ngày 6.4.2015. Con tàu cùng ngư lưới cụ bị lốc xoáy nhấn chìm khi đang đánh bắt ở ngư trường Đà Nẵng, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Với gia đình bà Bê, 3 tỷ đồng là cả một tài sản lớn vừa chắt chiu gom góp, vừa vay mượn thêm mới có được. Tàu chìm, nguồn sinh kế bị lung lay. Vì vậy, khi nhận được số tiền 2,7 tỷ đồng từ các đơn vị bảo hiểm bồi thường vào ngày 27.7, bà Bê không giấu được niềm vui của mình.
“Từ ngày tàu chìm giữa biển khơi, không còn khả năng trục vớt, cuộc sống gia đình tôi lâm vào cảnh túng bấn. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì không biết xoay xở làm sao để kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng. Nhưng, mọi lo toan đã được trút bỏ khi gia đình được phía doanh nghiệp bảo hiểm chi trả đúng, với các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để gia đình nhận được tiền bồi thường. Nếu như trước đó tôi không chủ động mua bảo hiểm thì giờ đã lâm vào cảnh trắng tay”.
Việc bồi thường cho gia đình bà Phạm Thị Bê là trường hợp được bồi thường bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với những chính sách ưu đãi hướng đến ngư dân. Theo đại diện Bảo Minh Quảng Ngãi, tính trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp đã bồi thường khoảng 8 tỷ đồng cho ngư dân tham gia bảo hiểm gặp tai nạn trên biển. Giám đốc Bảo Minh Quảng Ngãi, ông Ngô Ngọc Bính cho biết: “Tham gia đóng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, tàu có công suất dưới 400CV được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí đóng bảo hiểm, tàu cá từ 400CV trở lên được Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí, khoảng còn lại do ngư dân tự bỏ ra. Khi gặp nạn ngư dân được bồi thường 100%. Tôi nghĩ đó là những “phao cứu sinh” trợ lực rất lớn cho ngư dân khi họ gặp nạn”.
Nhận thức về mua bảo hiểm thay đổi
Quảng Ngãi hiện có khoảng 2.700 tàu cá đủ điều kiện tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67. Hiện đã có 644 tàu và 9.042 thuyền viên tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 1.825 tỷ đồng. Với một tỉnh sở hữu đội tàu đánh bắt cá lớn và thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro cao khi hành nghề trên biển, thực tế đã có nhiều chủ tàu lâm vào cảnh trắng tay khi gặp nạn. Việc ngư dân chủ động hơn trong mua bảo hiểm theo Nghị định 67 là một tín hiệu rất đáng mừng.
Ngư dân Nguyễn Tấn Đạt, ngụ xã An Hải (Lý Sơn) chia sẻ: “Tham gia đánh bắt xa bờ gặp nhiều nguy hiểm, nên việc mua bảo hiểm để phòng lúc rủi ro là điều rất cần thiết. Chỉ tiếc là khi những chính sách bảo hiểm ưu đãi của Nghị định 67 được ban hành, thì trước đó tàu cá của mình đã mua các loại bảo hiểm thông thường khác. Vì vậy, sau khi hợp đồng bảo hiểm thông thường hết hạn, gia đình sẽ tham gia loại hình bảo hiểm theo Nghị định 67”.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải: “Riêng tại huyện đảo Lý Sơn có khoảng 90 tàu cá đủ điều kiện tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng hiện chỉ có 25 tàu cá tham gia. Số còn lại trước đó đã đóng các loại bảo hiểm khác nên không tham gia nữa. Phần lớn các chủ tàu rất vui khi chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 được triển khai. Nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để ngư dân hiểu hơn về những lợi ích của loại hình bảo hiểm nhiều ưu đãi này”.
Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Thạnh Tây đã có từ khá lâu, tuy nhiên trước đây phần lớn là do Vườn quốc gia Gò Gò - Xa Mát tổ chức nuôi. Đến khoảng đầu năm 2013, khi VQG mở lớp đào tạo kỹ thuật và cung cấp con giống cho người dân ở xã Thạnh Tây thì nghề nuôi ong lấy mật mới được nông dân tiếp cận và phát triển. Tuy đây là một mô hình còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT Co.) cho biết, công ty đã ký hợp đồng đại lý độc quyền và tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản với thương hiệu APT tại Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty hiện đang sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủy sản tinh chế như chả giò, chạo tôm, há cảo… và thủy hải sản khô như cá chỉ vàng, cá điêu hồng... để chào hàng vào thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… Đây là nhóm mặt hàng giá trị gia tăng đem lại hiệu quả cao.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố là 667 ha bằng 96% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng thu hoạch 12.095 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ, năng suất bình quân 212 tấn/ha. Trong tháng 1 và 2, giá cá tra nguyên liệu từ 19.500 – 20.000 đồng/kg, các hộ nuôi lỗ từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 22.500 – 23.000 đồng/kg, các hộ nuôi hòa vốn. Về tình hình sản xuất giống cá tra, sau thời gian phát triển nóng từ năm 2012, đến nay, diện tích ương cá tra giống chỉ bằng 56 % so với cùng kỳ năm 2012 tương đương 595 ha, với sản lượng ước đạt 128 triệu con. Nguyên nhân khiến diện tích ương nuôi cá tra giống giảm là do cung vượt cầu trong năm 2012 khiến tình hình tiêu thụ khó khăn. Hiện tại, giá cá tra giống loại 2 phân (2 cm) đã tăng nhẹ lên 25.000 đồng/kg nhưng nguồn thả nuôi còn thấp.