Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Rau Chuẩn An Toàn Duy Nhất Của Tỉnh Bắc Ninh

Vùng Rau Chuẩn An Toàn Duy Nhất Của Tỉnh Bắc Ninh
Ngày đăng: 24/05/2014

Tháng 1-2014, dự án rau an toàn thuộc Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao (Sở KH&CN) được khởi động, đến nay, cung ứng 500-700kg rau an toàn mỗi ngày. Với quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học, dự án được cấp giấy chứng nhận VietGap và trở thành một vùng rau an toàn duy nhất được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ở thời điểm này.

Theo Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, hàng năm toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha trồng rau, nhưng diện tích trồng rau theo hướng an toàn chỉ đạt gần 260 ha, chiếm chưa đến 2%. Thực tế nhiều mô hình rau an toàn đã được các cơ quan chức năng của tỉnh, các Viện nghiên cứu của Trung ương triển khai nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận VietGap.

Vướng mắc chính là ở việc các vùng rau an toàn nằm trên phần đất của nông dân, do đó, nhà quản lý không thể chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình đối với người thực hiện. Vì vậy, người tiêu dùng không có một địa chỉ tin cậy nào để mua thực phẩm sạch và hàng ngày vẫn thường trực nỗi lo khi sử dụng những loại rau có nguồn gốc không rõ ràng.

Trong buổi làm việc với Sở KH&CN Bắc Ninh cuối năm 2013, đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đơn vị đầu ngành trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới này cần phải xây dựng được một dự án rau an toàn chuẩn để làm cơ sở cho nông dân học tập, làm thay đổi nhận thức của người trồng rau từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Vốn có những chuẩn bị từ trước, cùng với hạ tầng cơ sở của Khu thực nghiệm Nông nghiệp Công nghệ cao cơ bản hoàn thành, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN) gấp rút tổ chức triển khai dự án rau an toàn tại đây.

Dự án có diện tích gần 7ha, với các mẫu đất, nước được kiểm định đạt chuẩn, hệ thống phun nước tưới rau tự động, nhà lưới,… được xây dựng đồng bộ. Quy trình sản xuất rau áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap có ứng dụng các giải pháp quản lý hiện đại (công nghệ thông tin, áp dụng mã số, mã vạch…).

Cán bộ của Trung tâm có thể kiểm soát mọi khâu sản xuất một cách chủ động, đặc biệt là thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Lao động trực tiếp sản xuất đều được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, rau sẽ được chuyển vào phòng sơ chế, phân loại, làm sạch và khi sử dụng không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác.

Trung tâm đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Hương Việt Sinh để cung cấp rau cho bếp ăn các trường học tại thành phố Hà Nội.

Điểm đặc biệt của dự án này là vừa tạo việc làm cho khoảng 80 lao động, vừa hướng dẫn trực tiếp cho nông dân của địa phương trồng rau theo hướng an toàn. Bà Nguyễn Thị Duyên, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du) cho biết: “Mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau nhưng đến nay, chúng tôi mới được phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách. Áp dụng quy trình này tại vườn rau của nhà đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất mà lại an toàn cho người sử dụng”.

Chủ nhiệm dự án, ông Bùi Hữu Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN nhận xét: “Sản xuất rau an toàn không khó, nhưng thay đổi thói quen của người dân trong việc trồng và sử dụng rau thì lại cần một quá trình dài. Dự án của chúng tôi mới được tiến hành trong thời gian ngắn, diện tích nhỏ nhưng có thể trở thành mô hình mẫu để người dân học tập và áp dụng ngay trong việc sản xuất của gia đình”.

Năm 2012, Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm cho Rau, Thịt, Cá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đặt ra mục tiêu đến năm 2015, 70% diện tích trồng rau được sản xuất theo quy tắc an toàn, trong đó 30% sản lượng được chứng nhận và công bố sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ở thời điểm này, mục tiêu ấy dường như vẫn còn khá xa nhưng hy vọng, dự án rau an toàn của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN mở ra hướng phát triển những vùng rau an toàn chuẩn và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng về một tương lai được sử dụng thực phẩm sạch.


Có thể bạn quan tâm

Đảm Bảo Tiêu Thụ Hết Mì Nguyên Liệu Trong Tỉnh Đảm Bảo Tiêu Thụ Hết Mì Nguyên Liệu Trong Tỉnh

Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR - nhà máy đặt tại thôn Hữu Lộc, xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) vừa tiến hành nâng công suất lên gấp đôi và bước vào vụ sản xuất mới. Trong vụ này, BDSTAR có kế hoạch thu mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu để sản xuất 30.000 tấn tinh bột. Hiện công ty đang tăng cường thu mua mì nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.

10/09/2014
Mùa Mưa Này, Nông Dân Trồng Cây Gì? Mạo Hiểm Trồng Tiêu Mùa Mưa Này, Nông Dân Trồng Cây Gì? Mạo Hiểm Trồng Tiêu

Bên cạnh cây ăn trái đang lên ngôi thì năm nay hồ tiêu tiếp tục được nông dân xuống giống đại trà. Hiện diện tích hồ tiêu tăng đáng kể ở các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước.

10/09/2014
Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm

Đó là ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Hiện cơ sở của ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cung cấp thành phẩm nấm các loại. Từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nấm, ông Hòa có lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm.

10/09/2014
Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su

Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều người ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chặt bỏ cây cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

10/09/2014
Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông

Theo tin từ Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, sau 4 ngày (từ 4/9) tập trung dập ổ dịch sâu róm hại thông trên 27,5ha rừng tại 2 xã Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn) bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP, tỷ lệ sâu róm bị diệt trừ đạt 95%. Tỷ lệ này đạt hiệu quả cao so với sử dụng thuốc truyền thống.

10/09/2014