Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất
Ngày đăng: 08/04/2014

Hơn 1 năm qua, vùng trồng khóm Đồng Dinh (Phú Hòa - Phú Yên) rộng 500ha xuất hiện bệnh héo đỏ lá. Hiện loại bệnh này không có thuốc trị khiến khóm “xuống sức” kéo theo giảm năng suất, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

Bệnh lây lan nhanh

Ông Đặng Thành Tâm, một người trồng khóm ở thị trấn Phú Hòa than thở: “Rẫy khóm của tôi ban đầu xuất hiện hiện tượng héo đỏ lá từng chòm nhỏ trên đọt, sau đó lan ra nhiều diện tích, tôi cứ tưởng vùng này bị khô nước. Thế nhưng, tôi đi dọc theo suối Cái qua các vùng trồng khóm lân cận thì rẫy khóm nào cũng có hiện tượng này. Nhưng hầu hết bà con trồng khóm ở đây không biết bệnh gì?”.

Bà Hồ Thị Giang vừa đầu tư trên 100 triệu đồng mua rẫy khóm bên cạnh rộng trên 2ha cũng bị loại bệnh này. Trong khi đó, vợ chồng bà mua rẫy khóm mới “ăn” lứa khóm trái vụ thu nhập chưa đáng là bao, đến vụ khóm chính, rẫy khóm bị héo đỏ lá.

“Tưởng là khóm gốc lâu năm xấu nên vợ chồng tôi trồng lại khóm tơ, cuối cùng cũng bị héo đỏ lá. Khi khóm tơ bị bệnh, sau một thời gian khô từ lá xuống gốc nên tôi đành nhổ bỏ. Lúc trồng, tôi bón lót gần 20 bao phân, với giá như hiện nay tương đương trên 10 triệu đồng, đó là chưa tính công làm cỏ, chăm sóc”, bà Giang nói.

Nhiều rẫy khóm trong vùng bị bệnh héo đỏ lá, một số người nghĩ như một bệnh thường gặp trên các loại cây trồng khác nên mua thuốc trừ rầy, thuốc sâu về phun để ngăn ngừa nhưng vẫn không khỏi.

Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở xã Hòa Thắng trồng khóm ở vùng này cho biết: “Thấy khóm bị bệnh ngày càng lan rộng, tôi mua thuốc trừ rầy về phun. Thời gian đầu thấy bệnh không phát thêm nhưng lá không xanh lại. Sau đó nhìn kỹ trên đọt lá vẫn héo đỏ, về sau lan xuống gốc làm khô cây”.

Giảm năng suất

Ông Lê Hồng Ngọc (ở thị trấn Phú Hòa) có rẫy khóm tại Đồng Dinh rộng 8ha, trung bình hằng năm thu trên 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay khóm bị bệnh, năng suất giảm, lãi chỉ còn 10 đến 15 triệu đồng/ha.

Ông Ngọc nói: “Người trồng khóm lâu nay rất thong thả vì giá cả ổn định, năm nào gia đình tôi cũng lãi trên 300 triệu đồng, nay khóm bị bệnh héo đỏ lá, gom lại chỉ còn lãi 100 triệu đồng. Trong khi đó, đây là thu nhập chính của cả 4 gia đình riêng của các con tôi. Không riêng gì rẫy khóm của gia đình tôi, các rẫy khóm khác ở đây đều bị bệnh và giảm năng suất so với năm trước”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, do bệnh héo đỏ lá khiến năng suất giảm, kéo theo thu lãi thấp hơn các năm trước từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Theo đó, vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha, hơn 1 năm qua thiệt hại hàng tỉ đồng.

Theo thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, chi cục tiến hành lấy mẫu gửi vào Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh giám định, kết quả cây khóm bị nhiễm bệnh virut PMWaV-1 (héo đỏ lá). Đây là loại bệnh nguy hiểm và không có thuốc trị.

Bệnh này do rệp sáp mang mầm bệnh đu bám trên cây, người dân vận chuyển giống trồng từ vùng này sang vùng khác nên khả năng lây lan nhanh. “Để hạn chế dịch bệnh, trước mắt Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành một số thí nghiệm về quản lý bệnh, tập huấn nông dân về biện pháp ngăn ngừa bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hỗ trợ tích cực từ Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất, giảm thiệt hại cho người trồng khóm”, ông Đặng Văn Mạnh cho biết.

Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa: Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo suối Cái nối dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. UBND huyện đang triển khai dự án trồng khóm theo hướng VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Khóm Đồng Dinh.

Với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kết cấu hạ tầng của vùng trồng khóm chưa được đầu tư để triển khai dự án.


Có thể bạn quan tâm

Mỹ Sơn (Ninh Thuận) Trồng Cây Đu Đủ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mỹ Sơn (Ninh Thuận) Trồng Cây Đu Đủ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Hiện tại, diện tích trồng đu đủ toàn xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) hơn 10 ha, giống đu đủ lùn cao sản. Trong đó, tập trung trồng nhiều tại thôn Phú Thạnh. So với các loại cây trồng khác thì đu đủ là loại cây dễ trồng, không kén đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản.

28/08/2014
Đa Dạng Các Hoạt Động Hỗ Trợ Nông Dân Phát Triển Kinh Tế Đa Dạng Các Hoạt Động Hỗ Trợ Nông Dân Phát Triển Kinh Tế

Theo Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn đã dựa vào thực tiễn của mình để đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.

28/08/2014
Sản Xuất Phân Bón Hữu Cơ Từ Chế Phẩm Vi Sinh Vật Đa Chức Năng Nhân Rộng Cách Làm Cho Người Dân Sản Xuất Phân Bón Hữu Cơ Từ Chế Phẩm Vi Sinh Vật Đa Chức Năng Nhân Rộng Cách Làm Cho Người Dân

Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và thực hành về sản xuất phân bón từ chế phẩm vi sinh vật đa chức năng tại thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) và được người dân nơi đây vui mừng tiếp nhận.

28/08/2014
Đầu Tư, Nâng Cao Hiệu Quả Các Công Trình Thủy Lợi Thúc Đẩy Nông Nghiệp Phát Triển Đầu Tư, Nâng Cao Hiệu Quả Các Công Trình Thủy Lợi Thúc Đẩy Nông Nghiệp Phát Triển

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh thì toàn tỉnh hiện có 200 công trình thủy lợi; trong đó có 94 hồ chứa và đập dâng, 6 công trình trạm bơm, kênh tiêu, kênh tưới, hàng năm, phục vụ nước tưới cho gần 34.000 ha cây trồng các loại, gồm: 5.000 ha lúa nước hai vụ, trên 2.000 ha rau màu, 27.000 ha cà phê, hồ tiêu và cây công nghiệp ngắn ngày... chiếm 54% tổng diện tích cây trồng. Trong số đó, nhiều công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực.

28/08/2014
Nâng Cao Chất Lượng Sản Xuất Và Kinh Doanh Cà Phê Robusta Nâng Cao Chất Lượng Sản Xuất Và Kinh Doanh Cà Phê Robusta

Ngày 22/8/2014, tại huyện Di Linh, Ban Chỉ đạo Dự án nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê Robusta ở Việt Nam đã họp để đánh giá tiến độ thực hiện dự án và bàn giải pháp để tiếp tục triển khai hoạt động của dự án ở giai đoạn II.

28/08/2014