Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất
Ngày đăng: 08/04/2014

Hơn 1 năm qua, vùng trồng khóm Đồng Dinh (Phú Hòa - Phú Yên) rộng 500ha xuất hiện bệnh héo đỏ lá. Hiện loại bệnh này không có thuốc trị khiến khóm “xuống sức” kéo theo giảm năng suất, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

Bệnh lây lan nhanh

Ông Đặng Thành Tâm, một người trồng khóm ở thị trấn Phú Hòa than thở: “Rẫy khóm của tôi ban đầu xuất hiện hiện tượng héo đỏ lá từng chòm nhỏ trên đọt, sau đó lan ra nhiều diện tích, tôi cứ tưởng vùng này bị khô nước. Thế nhưng, tôi đi dọc theo suối Cái qua các vùng trồng khóm lân cận thì rẫy khóm nào cũng có hiện tượng này. Nhưng hầu hết bà con trồng khóm ở đây không biết bệnh gì?”.

Bà Hồ Thị Giang vừa đầu tư trên 100 triệu đồng mua rẫy khóm bên cạnh rộng trên 2ha cũng bị loại bệnh này. Trong khi đó, vợ chồng bà mua rẫy khóm mới “ăn” lứa khóm trái vụ thu nhập chưa đáng là bao, đến vụ khóm chính, rẫy khóm bị héo đỏ lá.

“Tưởng là khóm gốc lâu năm xấu nên vợ chồng tôi trồng lại khóm tơ, cuối cùng cũng bị héo đỏ lá. Khi khóm tơ bị bệnh, sau một thời gian khô từ lá xuống gốc nên tôi đành nhổ bỏ. Lúc trồng, tôi bón lót gần 20 bao phân, với giá như hiện nay tương đương trên 10 triệu đồng, đó là chưa tính công làm cỏ, chăm sóc”, bà Giang nói.

Nhiều rẫy khóm trong vùng bị bệnh héo đỏ lá, một số người nghĩ như một bệnh thường gặp trên các loại cây trồng khác nên mua thuốc trừ rầy, thuốc sâu về phun để ngăn ngừa nhưng vẫn không khỏi.

Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở xã Hòa Thắng trồng khóm ở vùng này cho biết: “Thấy khóm bị bệnh ngày càng lan rộng, tôi mua thuốc trừ rầy về phun. Thời gian đầu thấy bệnh không phát thêm nhưng lá không xanh lại. Sau đó nhìn kỹ trên đọt lá vẫn héo đỏ, về sau lan xuống gốc làm khô cây”.

Giảm năng suất

Ông Lê Hồng Ngọc (ở thị trấn Phú Hòa) có rẫy khóm tại Đồng Dinh rộng 8ha, trung bình hằng năm thu trên 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay khóm bị bệnh, năng suất giảm, lãi chỉ còn 10 đến 15 triệu đồng/ha.

Ông Ngọc nói: “Người trồng khóm lâu nay rất thong thả vì giá cả ổn định, năm nào gia đình tôi cũng lãi trên 300 triệu đồng, nay khóm bị bệnh héo đỏ lá, gom lại chỉ còn lãi 100 triệu đồng. Trong khi đó, đây là thu nhập chính của cả 4 gia đình riêng của các con tôi. Không riêng gì rẫy khóm của gia đình tôi, các rẫy khóm khác ở đây đều bị bệnh và giảm năng suất so với năm trước”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, do bệnh héo đỏ lá khiến năng suất giảm, kéo theo thu lãi thấp hơn các năm trước từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Theo đó, vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha, hơn 1 năm qua thiệt hại hàng tỉ đồng.

Theo thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, chi cục tiến hành lấy mẫu gửi vào Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh giám định, kết quả cây khóm bị nhiễm bệnh virut PMWaV-1 (héo đỏ lá). Đây là loại bệnh nguy hiểm và không có thuốc trị.

Bệnh này do rệp sáp mang mầm bệnh đu bám trên cây, người dân vận chuyển giống trồng từ vùng này sang vùng khác nên khả năng lây lan nhanh. “Để hạn chế dịch bệnh, trước mắt Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành một số thí nghiệm về quản lý bệnh, tập huấn nông dân về biện pháp ngăn ngừa bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hỗ trợ tích cực từ Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất, giảm thiệt hại cho người trồng khóm”, ông Đặng Văn Mạnh cho biết.

Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa: Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo suối Cái nối dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. UBND huyện đang triển khai dự án trồng khóm theo hướng VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Khóm Đồng Dinh.

Với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kết cấu hạ tầng của vùng trồng khóm chưa được đầu tư để triển khai dự án.


Có thể bạn quan tâm

Hưng Yên Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa Hưng Yên Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa

Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.

14/01/2015
Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng

Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.

14/01/2015
Gỡ Đầu Ra Cho Sữa Tươi Tại Huyện Gia Lâm (Hà Nội) Gỡ Đầu Ra Cho Sữa Tươi Tại Huyện Gia Lâm (Hà Nội)

Chiều 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn với sự tham gia của đầy đủ 3 "nhà": Nông dân, DN và nhà quản lý.

14/01/2015
Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) Có Hơn 100 Hộ Nuôi Heo ViệtGAP Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) Có Hơn 100 Hộ Nuôi Heo ViệtGAP

Trong năm 2014, dự án Lifsap đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tại địa phương lắp đặt được 130 công trình hầm biogas, 1 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Bàu Hàm 2 và 1 lò giết mổ vệ tinh tại tỉnh lộ 25 đều đã đi vào hoạt động. Huyện cũng đã phát triển được hơn 100 hộ chăn nuôi heo theo chuẩn ViệtGAP, tăng gấp đôi so với năm 2013.

14/01/2015
Một Ngày Ở Một Ngày Ở "Xứ Sở Ngàn Dê"

Krông Pa là huyện có khí hậu nắng nóng quanh năm nhưng lại sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Hiện nay, đàn dê ở Krông Pa được coi là lớn nhất tỉnh Gia Lai, trên chín ngàn con. Bởi vậy, nơi đây nhiều người biết đến như là “xứ sở ngàn dê”. Và thịt dê trở thành món không thể thiếu trong những lúc nhâm nhi và trong cả ngày Tết của người dân vùng này.

14/01/2015