Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất

Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất
Ngày đăng: 08/04/2014

Hơn 1 năm qua, vùng trồng khóm Đồng Dinh (Phú Hòa - Phú Yên) rộng 500ha xuất hiện bệnh héo đỏ lá. Hiện loại bệnh này không có thuốc trị khiến khóm “xuống sức” kéo theo giảm năng suất, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.

Bệnh lây lan nhanh

Ông Đặng Thành Tâm, một người trồng khóm ở thị trấn Phú Hòa than thở: “Rẫy khóm của tôi ban đầu xuất hiện hiện tượng héo đỏ lá từng chòm nhỏ trên đọt, sau đó lan ra nhiều diện tích, tôi cứ tưởng vùng này bị khô nước. Thế nhưng, tôi đi dọc theo suối Cái qua các vùng trồng khóm lân cận thì rẫy khóm nào cũng có hiện tượng này. Nhưng hầu hết bà con trồng khóm ở đây không biết bệnh gì?”.

Bà Hồ Thị Giang vừa đầu tư trên 100 triệu đồng mua rẫy khóm bên cạnh rộng trên 2ha cũng bị loại bệnh này. Trong khi đó, vợ chồng bà mua rẫy khóm mới “ăn” lứa khóm trái vụ thu nhập chưa đáng là bao, đến vụ khóm chính, rẫy khóm bị héo đỏ lá.

“Tưởng là khóm gốc lâu năm xấu nên vợ chồng tôi trồng lại khóm tơ, cuối cùng cũng bị héo đỏ lá. Khi khóm tơ bị bệnh, sau một thời gian khô từ lá xuống gốc nên tôi đành nhổ bỏ. Lúc trồng, tôi bón lót gần 20 bao phân, với giá như hiện nay tương đương trên 10 triệu đồng, đó là chưa tính công làm cỏ, chăm sóc”, bà Giang nói.

Nhiều rẫy khóm trong vùng bị bệnh héo đỏ lá, một số người nghĩ như một bệnh thường gặp trên các loại cây trồng khác nên mua thuốc trừ rầy, thuốc sâu về phun để ngăn ngừa nhưng vẫn không khỏi.

Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở xã Hòa Thắng trồng khóm ở vùng này cho biết: “Thấy khóm bị bệnh ngày càng lan rộng, tôi mua thuốc trừ rầy về phun. Thời gian đầu thấy bệnh không phát thêm nhưng lá không xanh lại. Sau đó nhìn kỹ trên đọt lá vẫn héo đỏ, về sau lan xuống gốc làm khô cây”.

Giảm năng suất

Ông Lê Hồng Ngọc (ở thị trấn Phú Hòa) có rẫy khóm tại Đồng Dinh rộng 8ha, trung bình hằng năm thu trên 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay khóm bị bệnh, năng suất giảm, lãi chỉ còn 10 đến 15 triệu đồng/ha.

Ông Ngọc nói: “Người trồng khóm lâu nay rất thong thả vì giá cả ổn định, năm nào gia đình tôi cũng lãi trên 300 triệu đồng, nay khóm bị bệnh héo đỏ lá, gom lại chỉ còn lãi 100 triệu đồng. Trong khi đó, đây là thu nhập chính của cả 4 gia đình riêng của các con tôi. Không riêng gì rẫy khóm của gia đình tôi, các rẫy khóm khác ở đây đều bị bệnh và giảm năng suất so với năm trước”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, do bệnh héo đỏ lá khiến năng suất giảm, kéo theo thu lãi thấp hơn các năm trước từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Theo đó, vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha, hơn 1 năm qua thiệt hại hàng tỉ đồng.

Theo thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, chi cục tiến hành lấy mẫu gửi vào Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh giám định, kết quả cây khóm bị nhiễm bệnh virut PMWaV-1 (héo đỏ lá). Đây là loại bệnh nguy hiểm và không có thuốc trị.

Bệnh này do rệp sáp mang mầm bệnh đu bám trên cây, người dân vận chuyển giống trồng từ vùng này sang vùng khác nên khả năng lây lan nhanh. “Để hạn chế dịch bệnh, trước mắt Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành một số thí nghiệm về quản lý bệnh, tập huấn nông dân về biện pháp ngăn ngừa bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hỗ trợ tích cực từ Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất, giảm thiệt hại cho người trồng khóm”, ông Đặng Văn Mạnh cho biết.

Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa: Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo suối Cái nối dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. UBND huyện đang triển khai dự án trồng khóm theo hướng VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Khóm Đồng Dinh.

Với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kết cấu hạ tầng của vùng trồng khóm chưa được đầu tư để triển khai dự án.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Bình “Đánh Cược” Với Cây Cao Su Quảng Bình “Đánh Cược” Với Cây Cao Su

Mặc dù bị cơn bão số 10 năm 2013 tàn phá song hiện vẫn có rất nhiều nông dân ở miền Trung, trong đó có Quảng Bình, vẫn đánh liều với cây cao su…

24/03/2014
Đừng “Phớt Lờ” Việc Đáp Ứng Chất Lượng Nông Sản Đừng “Phớt Lờ” Việc Đáp Ứng Chất Lượng Nông Sản

Nông sản Việt Nam vốn được đánh giá là phong phú chủng loại, ngon, rẻ… Tuy nhiên, để khẳng định mình trên thị trường thế giới, những lợi thế đó chưa đủ. Điều kiện tối ưu là nông sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

16/07/2014
Lại Xuất Hiện Lồng Bè Cá Trong Hồ Dầu Tiếng Lại Xuất Hiện Lồng Bè Cá Trong Hồ Dầu Tiếng

Sau nhiều năm lắng đọng, mới đây, chúng tôi phát hiện có khoảng 3 lồng bè (loại được dùng để nuôi cá) trong hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Các lồng bè này được thả gần khu vực đập chính của hồ nước.

16/07/2014
Thử Nghiệm Thành Công Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Trong Mương Dứa Thử Nghiệm Thành Công Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Trong Mương Dứa

Mô hình được thực hiện do Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Tân Phước thực hiện tại hộ gia đình ông Bùi Công Thành, xã Tân Lập 2. Phương pháp nuôi là ghép 8 con cá sặc rằn với 2 con cá rô đồng trên 1.200m2 mương trồng dứa thuộc vùng Đồng Tháp Mười.

24/02/2014
Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi

Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang phát triển ồ ạt, vượt tầm kiểm soát của hầu hết các tỉnh, không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà nghiêm trọng hơn, nó đang làm “vỡ quy hoạch” hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy.

16/07/2014