Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh

Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh
Ngày đăng: 29/08/2015

Sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý phân bố ở vùng núi cao giáp ranh giữa Quảng Nam và Kon Tum, đang được kỳ vọng trở thành cây thương phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Giống sâm quý hiếm vào loại nhất trên thế giới

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc thù, hiện nay mới chỉ phát hiện phân bố trên vùng sinh thái hẹp, dưới các tán rừng nguyên sinh quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Vùng sinh trưởng và phát triển tốt của sâm Ngọc Linh nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh, ở độ cao từ 1.500 - 2.600m so với mực nước biển.

Từ nhiều năm nay, sâm Ngọc Linh đã được người dân sử dụng để bồi bổ cơ thể, khôi phục thể lực, cầm máu, chữa rắn cắn, chữa tiêu chảy, hoặc đau bụng...

Sâm Ngọc Linh được xếp vào 1 trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Ngọc Linh Việt Nam), đã được giới khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao, không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Xét trên góc độ thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu chứng minh sâm Ngọc Linh có một số đặc điểm tốt hơn cả sâm Trường Bạch (Triều Tiên) và sâm Tây Dương (Mỹ).

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh hiện có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 20 - 50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm). Nhu cầu tiêu dùng sâm Ngọc Linh ngày càng lớn và không còn trong phạm vi trong nước, mà còn cung cấp cho một số thị trường nước ngoài.

Phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, dành kinh phí hằng năm để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Hiện có một số đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như: Trại sâm giống Tắk Ngo, Thôn 2 xã Trà Linh, do huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống 2 năm tuổi; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh Quảng Nam quản lý với tổng diện tích 7,127 ha và tổng số 167.658 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Bên cạnh đó, trong nhân dân tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My đang hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển.

Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát trong dân cư địa phương, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của loài cây này. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện có khoảng 40 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là 34,5 ha, địa bàn các huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 5,4 ha.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, để cây sâm Ngọc Linh thực sự có thương hiệu và khẳng định được giá trị đúng của nó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, để trình Chính phủ phê duyệt.

“Chúng tôi đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đồng thời phát triển sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm chủ lực của Việt Nam”, ông Hồ Quảng Bửu chia sẻ.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam sẽ trồng mới 100 ha giống cây sâm Ngọc Linh tại các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang huyện Nam Trà My, đảm bảo cung cấp giống chất lượng cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm.

Cùng với đó sẽ trồng 400 ha sâm Ngọc Linh tại các vùng bảo tồn và ngoài vùng bảo tồn để tạo vùng nguyên liệu sâm phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp sâm sau này.

Theo ông Bửu, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng góp phần bảo vệ những cánh rừng tự nhiên, hình thành các điểm du lịch sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các nhà máy chế biến sản phẩm sâm và Đông dược từ sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, địa phương rất nhiều sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía.

Bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, rất cần có sự vào cuộc đầu tư của doanh nghiệp và các nhà khoa học để nghiên cứu, phát triển cây sâm, các sản phẩm sản xuất ra từ cây sâm Ngọc Linh có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Có thể bạn quan tâm

Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt

Những năm gần đây, chăn nuôi bò thịt được xác định là một trong những chương trình sản xuất trọng điểm của xã Đại Hòa (Đại Lộc). Phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

01/03/2014
Luân Canh Tôm Càng Xanh Thương Phẩm Trong Ao Nuôi Tôm Sú Luân Canh Tôm Càng Xanh Thương Phẩm Trong Ao Nuôi Tôm Sú

Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang (Trà Vinh), hiện nay nông dân các huyện trong tỉnh đã thu hoạch hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú.

03/03/2014
Sản Lượng Cá Tra Thương Phẩm Thu Hoạch Trong Tháng 2 Ước Đạt Trên 27.800 Tấn Sản Lượng Cá Tra Thương Phẩm Thu Hoạch Trong Tháng 2 Ước Đạt Trên 27.800 Tấn

Sau Tết Nguyên đán, các nhà máy chế biến hoạt động bình thường trở lại, nên tình hình thu mua cá tra nguyên liệu của các nhà máy và tiến độ thu hoạch tăng lên. Hiện tại, các nhà máy thu mua cá với giá vào khoảng 22.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá thịt trắng loại 0,7 - 0,8kg/con.

03/03/2014
Sản Lượng Thuỷ Sản Tháng 2 Tăng 4% Sản Lượng Thuỷ Sản Tháng 2 Tăng 4%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 2 ước tính đạt 369.700 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

03/03/2014
Thị Trường Rau Tết Ế Ẩm Thị Trường Rau Tết Ế Ẩm

Chưa năm nào như thời điểm Tết năm nay, thị trường rau Tết xuống giá trầm trọng, nguyên nhân do sản lượng dồi dào, nguồn cung vượt nhu cầu sử dụng, rau củ không những không giữ được mức giá ngày thường mà còn giảm sâu hơn.

02/02/2014