Vui Xuân Không Quên Đồng Ruộng

Dù là những ngày nghỉ Tết, nhưng các cán bộ, kỹ thuật viên thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh An Giang và Trạm BVTV các huyện vẫn thường xuyên ra đồng, nắm chắc tình hình dịch bệnh, diễn biến phát triển lúa đông xuân. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân không nên vì vui Tết mà bỏ quên đồng ruộng.
Phòng bệnh hơn trị bệnh
Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 236.000 héc-ta lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ nên nguy cơ rầy nâu, bệnh đạo ôn diễn biến khá phức tạp. Trước tình hình đó, Chi cục BVTV đã chỉ đạo các trạm đẩy mạnh công tác khuyến nông, tuyên truyền cảnh báo cho nông dân về nguy cơ tác hại của dịch bệnh sẽ diễn ra trong dịp Tết.
“Với những cán bộ, kỹ thuật viên công tác trong ngành Nông nghiệp, đây là thời điểm phải tập trung bám sát đồng ruộng. Tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi nhưng dịch hại, sâu bệnh thì không hề “nghỉ ngơi”. Vì thế, chúng tôi vẫn xuống đồng với bà con với mục tiêu “ăn chắc” vụ lúa đông xuân”- ông An chia sẻ.
Hàng năm, cán bộ Chi cục BVTV tỉnh vẫn sắp xếp thời gian phối hợp các Trạm BVTV tìm hiểu tình hình sâu bệnh cho dù đó là ngày mồng một Tết. Mặt khác, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp UBND các huyện, các phòng, ban chuyên môn đề ra kế hoạch phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn và các dịch hại khác trên lúa trước, trong và sau Tết. Chi cục thực hiện tổng hợp số liệu do các Trạm BVTV báo về thường xuyên trong thời gian nghỉ Tết, từ đó lên kế hoạch ứng phó với sâu bệnh.
Hỗ trợ tối đa
Đã nhiều năm gắn bó với nông dân, anh Huỳnh Tấn Hưng, Phó Trưởng trạm BVTV huyện Châu Phú, luôn sẵn sàng cho công tác thăm đồng cùng nông dân vào những ngày Tết. “Các cán bộ, kỹ thuật viên đã sắp xếp kế hoạch trực Tết tại cơ quan, đồng thời thường xuyên đến thăm bà con, nghe thông báo tình hình cụ thể.
Mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của mình. Vui xuân là một việc nhưng hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ chuyên môn đối với nông dân cũng rất quan trọng. Nếu công tác phòng ngừa sâu bệnh dịp Tết không hiệu quả thì đó cũng là một phần trách nhiệm của chúng tôi” - anh Hưng thật tình.
Về công tác thăm đồng, đoàn cán bộ kỹ thuật của huyện Châu Phú sẽ thực hiện 4 đợt kiểm tra trước, trong và sau Tết tại các tiểu vùng có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Khi phát hiện dấu hiệu sâu bệnh, đoàn sẽ thông báo cho UBND các xã, kịp thời đưa ra cảnh báo bằng phương tiện truyền thông giúp bà con nắm bắt thông tin.
Trong những ngày này, một số khu vực thuộc huyện Châu Phú đang xuất hiện bệnh cháy bìa lá, rầy nâu nên các cán bộ kỹ thuật của trạm BVTV Châu Phú đã tăng cường công tác thăm đồng cùng nông dân. “Dự kiến, chúng tôi sẽ thực hiện các buổi khuyến nông cho bà con tại một số xã trên địa bàn huyện vào thời điểm trước Tết, nhất là những địa bàn có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh cao. Cần phải chủ động trong công tác phòng ngừa để giúp nông dân đạt năng suất cao” - anh Hưng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Két, nông dân xã Bình Long (Châu Phú), thật tình: “Điều kiện canh tác hiện nay đòi hỏi người nông dân phải theo sát ruộng lúa. Vì vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên thăm đồng kể cả những ngày Tết. Anh em kỹ thuật viên ngành Nông nghiệp của huyện năm nào cũng cùng chúng tôi theo dõi sát tình hình sâu bệnh. Nhờ đó, nông dân có thể yên tâm ăn Tết mà không quá lo sâu bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất vụ lúa đông xuân”.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.

Hiện nay, môi trường nước nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên không ổn định, có vùng gây bất ổn cho thủy sản nuôi. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý môi trường, quản lý con giống cũng như tình hình dịch bệnh…

Các thành tố P205, Ca, S và các nguyên tố trung vi lượng trong phân supe lân rất cần thiết dùng để bón giúp cho cây trồng đạt được năng suất cao nhất.

Giá cá sấu thời điểm đó rất cao 160.000 đồng/kg, lợi nhuận mang về rất lớn. Không bỏ lỡ cơ hội, bằng kinh nghiệm nuôi thành công cá sấu thương phẩm, năm 2001 ông mở rộng trang trại nuôi 1.600 con trên diện tích 3.600m2. Sau nhiều thành công nối tiếp đến năm 2009 ông đã dành toàn bộ 3 ha đất sản xuất nông nghiệp mở rộng việc nuôi cá sấu, nâng tổng đàn cá sấu là 25.000 con.

Nhiều nông dân trên địa bàn xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang) đưa cây màu vào canh tác, nâng cao giá trị sản xuất, ổn định cuộc sống.