Vui vụ cá chính, lo vụ cá bắc

Được “lộc” biển
Trở về sau phiên biển kéo dài 15 ngày, chủ tàu Tiêu Viết Hồng, xã Bình Châu (Bình Sơn) và 11 lao động hồ hởi với thành quả là hơn 4 tấn cá mó, cá cam, cá kình.
“Số cá này được thương lái tại cảng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận mua giá cao nên sau khi trừ phí tổn, anh em đi bạn được chia 10 triệu đồng/người.
Còn mình cũng bỏ túi được kha khá”, anh Hồng cho biết.
“Quả ngọt” ấy chẳng những giúp chủ tàu cùng anh em đi bạn có niềm vui lớn, mà còn tạo khí thế để họ tiếp tục phiên biển mới.
Cảng cá nhộn nhịp bán mua mỗi khi tàu ngư dân cập cảng.
Còn người hàng xóm của ngư dân Tiêu Viết Hồng là lão ngư Đặng Tự cũng vui mừng không kém khi phiên biển vừa rồi, tàu của anh cũng thu về 4 tấn cá mó và tôm hùm.
Với giá bán 42.000 đồng/kg cá mó, nên sau khi trừ các khoản chi phí, 10 lao động trên tàu cũng kiếm được 12 triệu đồng/người.
Riêng chủ tàu là anh Đặng Tự thu nhập không dưới 50 triệu đồng. “17 ngày mà được thế là trúng lắm rồi đấy. Chứ mọi năm biển động, kiếm được chừng đó tiền phải mất cả tháng”, anh Tự chia sẻ.
Vụ cá chính năm nay, ngư dân trong tỉnh trọn vẹn niềm vui “trúng mùa, được giá” với sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh trong 9 tháng ước đạt 132.394 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
“Có được kết quả này là nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị; đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cũng như tích cực tìm kiếm, khai thác ở những ngư trường mới, nhiều tiềm năng”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng khẳng định.
Mong được vững vàng vươn khơi
Nếu như vụ cá chính ngư dân gặp nhiều thuận lợi trong quá trình khai thác, đánh bắt như:
Thời tiết “êm”, giá bán sản phẩm tăng trong khi giá xăng, dầu giảm thì vụ cá bắc sắp tới họ lại vấp phải không ít trở ngại. Chủ tàu Nguyễn Sáu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường, ngư dân vì thế phải tranh thủ lúc trời êm thì ra khơi đánh bắt.
“Quan trọng nhất là mình phải giữ liên lạc 24/24 giờ với anh em trong nghiệp đoàn để nắm bắt thông tin, kịp thời tránh trú khi có mưa bão”, ông Sáu bày tỏ.
Không thuận lợi như ông Sáu vì có tàu công suất lớn, chủ tàu Đặng Tự dù rất muốn tiếp tục phiên biển mới, nhưng cũng không biết làm thế nào bởi công suất tàu nhỏ, chỉ với 140CV nên anh không yên tâm ra Hoàng Sa hoạt động mùa này.
Mong ước cháy bỏng của lão ngư này chính là, có vốn nâng công suất tàu từ 140CV lên 450CV.
“Tính đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 nhưng thấy khó quá. Mấy anh em ở đây mất cả tháng để làm giấy tờ, mà người được người không nên cũng nản, đành thôi”, ông Tự giãi bày.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai khẳng định:
“Sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số điểm trong Nghị định 67 sao cho phù hợp với thực tế các địa phương, tạo điều kiện để ngư dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay từ chính sách lớn này”.
Tuy nhiên, trước khi Nghị định 67 được sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Oai “hiến kế” tỉnh nên tập trung thực hiện đồng bộ 5 giải pháp của chính sách Nghị định 67, trong đó đẩy mạnh việc nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí đầu tư cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, các loại cá đồng non như: cá lòng ròng, cá rô tăm tích, cá sặt sữa… đang được bày bán hầu khắp các chợ với giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Những người “chạy chợ” thâm niên đã tham gia tàn phá tài nguyên, tận diệt nguồn lợi cá đồng với câu cửa miệng cũ rích: “Vì nhà nghèo mới đi bắt cá non bán để mua gạo kiếm sống”(!?). Thật là đáng trách!

Hiện đang là cao điểm mùa mưa, tuy nền nhiệt giảm, mức chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không cao, nhưng môi trường ao nuôi luôn biến động, một số bệnh trên tôm nuôi sẽ phát sinh, như bệnh đỏ thân đốm trắng, bệnh mềm thân, hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ tăng, giảm đột ngột, phát sinh khí độc dưới đáy ao, rong tảo cũng có cơ hội bùng phát.

Nghề truyền thống đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Bến Tre rất phong phú, đa dạng. Từ nghề cào đơn, cào đôi… đến nghề câu mực hàng năm đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Trong đó, nghề câu mực phát triển nhanh, hiện toàn tỉnh có 140 tàu (câu tay 137 chiếc, câu giàn 3 chiếc), tập trung tại huyện Bình Đại và Ba Tri.

Có hồ, chẳng lẽ bỏ hoang, anh Phan Thanh Thánh (SN 1984) đầu tư trang bị hệ thống lọc nước sạch nuôi tôm nên thắng to!

Theo phản ánh của các ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An (Đồng Nai), tình trạng đặt đăng chắn trên hồ đã được lực lượng chức năng tháo dỡ hết. Đăng chắn được dỡ bỏ, hơn 1 ngàn hộ dân đánh bắt thủy sản trên hồ không còn bức xúc, lo lắng xảy ra nguy hiểm mỗi khi thời tiết mưa dông không có đường vào bờ.