Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vui Buồn Nghề Đi Ong

Vui Buồn Nghề Đi Ong
Ngày đăng: 03/10/2014

Một túp lều bạt  được dựng giữa rừng chồi thuộc thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết)…  Không xa lều bạt là những thùng ong, rù rì, vo ve tiếng ong bay. 

“Đi ong” ở Thiện Nghiệp

Nghe tiếng xe máy, một người đàn ông dong dỏng cao bước ra khỏi lều bạt. Đó là ông Tân Hữu Đức, chủ của những thùng ong. Ông Đức năm nay 52 tuổi, nhưng có đến 30 năm theo nghề nuôi ong. Ông Đức bảo đã gắn bó với con ong từ rất sớm. Học xong lớp 12, ông không đi học nghề, mà rong ruổi theo đàn ong cùng ba mình.

Năm 1989, ông “ra riêng” với tài sản ban đầu là 37 tổ ong giống Italia.  Sau đó vì  không có  nhiều kinh nghiệm, ông đưa ong đến một vùng nhãn vừa phun thuốc bảo vệ thực vật vì vậy ong chết khá nhiều, chỉ còn một nửa so với ban đầu. Những tổ ong dần dần được gầy dựng lại và đến nay ông  có đến 600 tổ. Mỗi lần di chuyển ông  đều tìm hiểu khá kỹ vùng đất mới.

Ông không chỉ quan tâm đến mùa hoa nở, thời tiết, tránh thuốc bảo vệ thực vật, mà còn tránh cả những loài chim, ong rừng lạ, thằn lằn, tắc kè, rắn mối… tấn công đàn ong. Ông còn học cách phòng chữa bệnh, bổ sung thức ăn cho ong, cách thức thế nào để di chuyển đàn ong  một cách nhanh gọn.

Nghề nuôi ong đưa ông đến nhiều vùng, miền.  Khi thì vào Nam,  ra Bắc, khi ngược lên Tây Nguyên. “Đâu có hoa là  ong tới bất kể xa hay gần. Loại hoa tốt để ong hút mật là: dừa, nhãn, bưởi, cam, chôm chôm…”. 

Theo đó, tháng Giêng, tháng 2 ông tập kết ong tại Đồng Nai; tháng 3 đến tháng 5 vào rừng tràm U Minh hoặc ngược lên Tây Nguyên; tháng 5 đến tháng 7 ra Nghệ An, Hà Tĩnh; tháng 7 đến tháng 9 đến Bình Thuận; tháng 10 đến tháng 12 trở lại Đắk Lắk. Cứ như vậy, suốt năm ông Đức rong ruổi  với đàn ong. Có lúc “đóng quân” gần nhà, về mấy hôm lại muốn lên ngay, vì nhớ đàn ong mà mình gắn bó. 

Với 600 tổ ong, mỗi năm ông Đức thu 7 - 9 tấn mật và cho thu nhập 400 đến 500 triệu đồng. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Đức còn nhân giống, bán ong giống, tư vấn cách chăm sóc và truyền đạt kinh nghiệm cho những hộ có nhu cầu. “Nghề nuôi ong du mục với bao vui buồn lẫn lộn. Vui khi gặp được vùng hoa nở rộ, thời tiết thuận lợi, thu hoạch được nhiều mật còn buồn là khi ong bệnh hoặc chết chưa rõ lý do”- ông Đức thổ lộ. 

Và… ở La Gi

Cùng  nghề  nuôi ong với ông Đức là ông Hai Hà. Hai Hà (52 tuổi), quê ở Quy Nhơn. Ông và người con trai cả tuổi 30 theo nghề nuôi ong trên 10 năm. Tháng 9 năm nay đưa đàn ong về khu vườn keo tràm của anh Trần Hiền ở khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi để  cho ong hút nhụy hoa.

Tài sản hai cha con là 200 thùng ong  Ý, với tổng trị giá trên 200 triệu đồng, cùng những lỉnh kỉnh lều bạt, xoong nồi…

Lang thang theo những mùa hoa trên khắp mọi miền đất nước cho đàn ong làm mật. Khi mùa hoa cạn là lúc những người nuôi ong tìm một khu vườn yên tĩnh có vài  loại loài hoa nở muộn để làm điểm dừng chân dưỡng ong.

Sáng chủ nhật đến vườn tràm nghe Hai Hà tâm sự chuyện ong, chuyện người thật vô cùng thú vị.

Hai Hà nói: “Người nuôi ong, không đứng, không nằm mà “chạy” theo mùa hoa ở khắp nơi.  “Những năm trước đây nghề nuôi ong chưa phát triển mạnh, thì người làm nghề dễ phát đạt, bởi khi mình đến các nhà vườn xin đặt đàn ong, chủ vườn vui vẻ chấp nhận ngay, không thu đồng nào.

Bây giờ khó lắm, muốn đặt ong phải trả tiền vườn, mà trả cao chứ trả thấp người khác chen vào ngay” - ông Hai Hà nói. Theo Hai Hà, một lứa ong trả cho chủ vườn khi vài ba triệu đồng, khi năm, bảy triệu đồng tùy theo.

Nuôi ong trúng nhất là vào mùa hoa vải thiều. Đặt ong trong vườn vải thiều rộ hoa, với 200 thùng chỉ cần vài ba ngày là quay được 2 tấn mật. Đặt mươi, mười lăm ngày thì thu năm, bảy tấn mật là chuyện thường. Một tấn tùy thời điểm bán cho công ty  từ 30 đến 50 triệu đồng. Trừ chi phí ăn ở, đi lại… vẫn còn một ít gởi  về  cho vợ con.

Đó là nói mùa trúng mật, còn trung bình, một lứa ong phải đến trên 10 ngày mới thu được mật. Cứ một thùng ong đặt 10  tổ ong, mỗi tổ thu chừng 3 lạng, một thùng thu 3 ký, 200 thùng ong được  600 -700 ký là cùng. Ở mức này thì thu nhập không được bao nhiêu.

Tốn kém nhất là khi ong bị chết phải lập lại đàn ong mới. Muốn có đàn ong mới phải tìm mua ong chúa hoặc chọn những con ong thật tốt nuôi theo chế độ đặc biệt. Khi đã có ong chúa mới tách đàn, lập đàn ong mới. Thời gian dưỡng ong để bổ sung thêm quân  là thời gian tốn kém nhất. Cứ một đêm 200 thùng ong cần lượng đường chừng 1 tạ hòa nước cho chúng uống. Một tạ đường hiện nay giá 1,4 triệu đồng, dưỡng ong chừng 1 tháng tốn kém lên đến vài chục triệu đồng.

Làm nghề nuôi ong lấy mật giống như đánh bạc với trời, được mùa ong, vài ba trăm triệu đồng dễ như không. Mất mùa, ong chết, nợ chồng lên nợ. Phận người, phận ong cũng lắm truân chuyên!


Có thể bạn quan tâm

Bán Chạy Tôm Vì Lo Dịch Bán Chạy Tôm Vì Lo Dịch

Gần 1 tháng rưỡi qua (4/5 đến 17/6/2013) tại tỉnh Nghệ An đã có gần 60 ha tôm thẻ chân trắng ở 13 vùng nuôi tôm thuộc 3 huyện, thành đã dính các loại bệnh: Đốm trắng, Taura và hoại tử gan tụy. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã thu tôm bán non vớt vát lại vốn.

28/06/2013
Thủ Tướng Chỉ Đạo Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Thóc Gạo Thủ Tướng Chỉ Đạo Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Thóc Gạo

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013.

07/06/2013
Đảm Bảo Cung Ứng Giống Cho Nông Dân Đảm Bảo Cung Ứng Giống Cho Nông Dân

Trại Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp tỉnh, từ lâu là địa chỉ tin cậy cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân trong tỉnh. Vụ chiêm xuân năm nay, ngoài nhận 18ha sản xuất lúa giống, Trại Giống còn cùng với nông dân sản xuất lúa giống với diện tích 100ha.

28/06/2013
Nuôi Cá Trắm Đen Cho Thu Nhập Cao Nuôi Cá Trắm Đen Cho Thu Nhập Cao

Năm nay, giá thành nhiều loại thủy sản, đặc biệt là các loại cá truyền thống như mè, chim trắng, rô phi đơn tính, trắm cỏ… có chiều hướng sụt giảm khiến người nuôi thả không yên tâm đầu tư. Trong khi đó, một số loại cá đặc sản như trắm đen, nheo… vẫn có giá khá cao, bình quân từ 100.000 đồng/kg trở lên. Do đó, một số hộ có điều kiện ở Phú Thọ đã chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các loại cá có giá trị cao và tạo được nguồn thu đáng kể.

10/01/2013
Mở Hướng Phát Triển Cho Cây Cà Phê Mường Ảng Mở Hướng Phát Triển Cho Cây Cà Phê Mường Ảng

Những năm qua huyện Mường Ảng đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó. cây cà phê được huyện xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

28/06/2013