Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang)

Với khả năng cung ứng mỗi năm 1.000 tấn nếp giống cho hơn 75% nông dân trồng nếp chuyên canh trong huyện và một số vùng lân cận, Tổ liên kết (TLK) sản xuất nếp giống xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) được bà con ví như vựa giống của huyện cù lao. Không chỉ mạnh về số lượng, TLK sản xuất giống Phú Hưng còn đi đầu về giống nếp CK92 chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất nếp hàng hóa của người dân.
Anh Huỳnh Văn Tâm (Tổ trưởng của TLK sản xuất nếp) là một trong những nông dân đi đầu thử nghiệm trồng nếp giống ở địa phương. Trên 15 héc-ta đất sản xuất, gia đình anh cung cấp khoảng 360 tấn nếp giống cả trong và ngoài địa phương mỗi năm. Cũng với cách làm ăn này, liên tục từ năm 2005 đến nay, anh được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Anh Tâm cho biết, TLK sản xuất nếp giống Phú Hưng thành lập năm 2005, ban đầu là một câu lạc bộ chỉ có vài người, sau đó phát triển thành Tổ hợp tác và hiện nay là TLK, gồm 24 thành viên liên kết sản xuất giống trên 52 héc-ta. Quy trình sản xuất nếp giống trong tổ được khép kín từ khâu gieo sạ, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch cho đến bảo quản. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị, giống nếp của tổ có chất lượng vượt trội và thương hiệu trên thị trường.
Trước đây, nông dân thường chọn những chỗ nếp trổ bông đẹp chừa lại để làm giống hoặc mua giống từ nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế không cao, năng suất đạt ngẫu nhiên theo vụ, có vụ phải loay hoay tìm đầu ra vì bị bạn hàng chê chất lượng nếp kém.
Từ thực trạng đó, tổ nhân giống quyết tâm nghiên cứu cho ra dòng nếp chất lượng. Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật tiến bộ từ các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, TLK còn phối hợp Trường đại học Cần Thơ phục tráng giống nếp thuần CK92 có chất lượng tốt. Hàng năm, các thành viên trong tổ thay phiên đi học các lớp học kỹ thuật, tập huấn và tham quan ở những vùng nhân giống quy mô để học hỏi kinh nghiệm.
“Nếu so về giá thành, nếp giống của TLK cao hơn chút đỉnh, vì vậy ban đầu bà con ngại mua lắm. Phải qua nhiều vụ, những khách hàng đầu tiên đánh giá hiệu quả trên ruộng nếp của mình, người truyền người, “thương hiệu” của TLK nhanh chóng lan tỏa. Thực tế, nếp giống của tổ đạt năng suất cao, phát triển khỏe mạnh giúp giảm chi phí phân bón, trọng lượng nếp cũng nặng hạt hơn nên tính trên toàn vụ thì chi phí lại thấp hơn giống nếp thông thường” - ông Tâm phân tích.
Một vụ, TLK sản xuất giống cung ứng trên 300 tấn nếp giống, một năm 3 vụ sản xuất ra hơn 1.000 tấn. Trên địa bàn huyện Phú Tân, TLK cung cấp nguồn giống cho trên 75% nông dân, đồng thời nông dân trồng nếp các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang cũng rất ưa chuộng.
Ông Tâm với vai trò là tổ trưởng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư máy móc, làm dây chuyền đóng gói, đồng thời ưu tiên bao tiêu giống hàng hóa cho thành viên trong tổ, bảo đảm giá cả và đầu ra ổn định.
Với mô hình làm ăn hiện nay, TLK sản xuất nếp giống Phú Hưng còn giải quyết việc làm cho 84 lao động, thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thanh Tâm đánh giá: “Bên cạnh các mô hình nuôi trồng mới hàng năm, TLK sản xuất giống luôn duy trì hiệu quả sản xuất, được chọn là mô hình làm ăn tiêu biểu của xã, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Không chỉ sản xuất giống hiệu quả, tổ còn tích cực đóng góp cho địa phương bằng việc làm, tiền của, tham gia xây dựng nông thôn mới và hoạt động xã hội ý nghĩa”.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế chuyến biển, nhiều ngư dân rất cần nâng cấp hầm bảo quản trên tàu cá để giảm tổn thất sau khai thác, tuy nhiên chi phí nâng cấp hầm bảo quản khá lớn.

Lươn là loài da trơn sống gắn liền với bùn đất. Thế nhưng thời gian gần đây, một số hộ nông dân ở xã Liên Hoà đã tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng không có bùn. Đây là một mô hình kinh tế nhằm giúp nông dân tăng thu nhập gia đình...

Theo các thương lái mua bán thủy sản khu vực biên giới tỉnh, bình quân mỗi ngày có trên 200 tấn cá nuôi ở An Giang được xuất qua cửa khẩu, tiêu thụ tại thị trường Campuchia, tăng gấp đôi so năm 2014.

Mấy ngày qua, gia đình ông Hồ Phú Sâm, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phải thuê người vớt cá điêu hồng gần thu hoạch bị chết tại bè nuôi cá trên sông Cu Đê để tiêu hủy.

Những ngày này, Cảng cá Vĩnh Lương, TP. Nha Trang luôn tấp nập các ghe giã đánh bắt xa bờ cập bến. Năm nay, ngư dân trúng mùa cá hố, bình quân mỗi ghe đánh bắt được khoảng 40 tấn.