Vua Hàu Lồng

Hôm chúng tôi đến đúng vào lúc anh Hôn (Nguyễn Văn Hôn), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) hàu lồng xã Đất Mũi (Cà Mau) thả đợt giống hàu mới. Anh Hôn trải lòng về ý tưởng và tâm huyết của mình đối với nghề nuôi hàu lồng.
Năm 2007, trong một lần ngồi uống cà phê với anh em ở xóm, anh Hôn đặt vấn đề về ý tưởng nuôi hàu lồng theo hình thức HTX. Có nhiều người thống nhất phương án này, nhưng cũng có người e ngại về tính hiệu quả của mô hình, bởi từ trước đến nay chưa từng có ai nuôi hàu lồng tại đây, lại nuôi theo hình thức HTX, mọi người đều thiếu kinh nghiệm làm kinh tế tập thể... Vì thế, khi mới bắt tay làm ăn, HTX hàu lồng Đất Mũi chỉ có 20 xã viên.
Anh Nguyễn Văn Hôn nhớ lại: “Nhờ minh bạch, công khai, nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến khi thành lập HTX nên anh em tin tưởng bầu tôi làm chủ nhiệm. Trong quá trình nuôi, tôi luôn tìm tòi, chịu khó từ việc tìm mua con giống, học hỏi kỹ thuật nuôi, liên hệ cơ quan chức năng tranh thủ nguồn vốn vay cho xã viên, tìm đầu ra sản phẩm… Nhờ đó lợi nhuận thu về cao dần qua từng năm”.
Về con giống, HTX thu mua hàu của người dân ở địa phương khai thác ngoài thiên nhiên. Bình quân 1 kg hàu giống từ 8-10 con, giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Sau 6 tháng thả nuôi, hàu đạt trọng lượng từ 3-4 con/kg. Hiện hàu thương phẩm đầu ra tương đối ổn định, tiêu thụ mạnh nhất tại TP Hồ Chí Minh. Hàu thương phẩm bán ra giá từ 15 triệu đồng/tấn trở lên, có lúc lên đến 20 triệu đồng/tấn.
Thấy mô hình làm ăn có hiệu quả, một số người dân ở địa phương có nguyện vọng xin vào HTX. Không ngần ngại, anh Hôn sẵn lòng tiếp nhận những xã viên mới, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi người cùng phát triển.
Anh Hôn chia sẻ, HTX càng đông xã viên càng tốt. Vì mình tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Được biết, đến nay HTX có gần 50 xã viên, tăng hơn gấp đôi so với ngày mới thành lập. Hiện HTX giải quyết công ăn việc làm cho trên 40 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Với quyết tâm mở rộng ngành nghề hoạt động theo hình thức kinh tế tập thể, anh Hôn lại bàn với xã viên làm thêm dịch vụ xây dựng các công trình dân dụng và được họ đồng tình. Anh Hôn cho biết, trong HTX có một xã viên có bằng Trung cấp Xây dựng nên anh em rất vững tin hùn vốn để làm ăn.
Đến nay, chỉ gần 1 năm chúng tôi đã xây dựng được 5 công trình lộ giao thông nông thôn, một số trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp, trụ sở Xã đội Đất Mũi, hàng chục nhà dân… Hầu hết các công trình đều bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo được uy tín đối với chính quyền và Nhân dân địa phương.
Ông Ngô Minh Toại, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, ghi nhận, HTX hàu lồng Đất Mũi, tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Hôn có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Về hoạt động sản xuất, HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cho xã viên, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, là một trong những mô hình điểm về kinh tế tập thể của xã.
Về lĩnh vực xây dựng dù mới mẻ nhưng HTX thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình. Đặc biệt, có một số công trình HTX mạnh dạn thi công trước rồi thu vốn đối ứng trong dân sau. Về hoạt động xã hội từ thiện, HTX hàu lồng Đất Mũi đóng góp cho địa phương hàng trăm triệu đồng.
Nói về những dự định trong tương lai, anh Nguyễn Văn Hôn bày tỏ: “Tôi muốn làm dịch vụ thu gom và xử lý rác thải tại Đất Mũi. Đây vừa là hoạt động kinh tế, vừa là trách nhiệm của một công dân đối với môi trường. Hằng ngày, tôi rất bức xúc khi chứng kiến rác thải tại Khu du lịch Đất Mũi, chợ Đất Mũi, khu dân cư tập trung… không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp xuống sông, xuống biển.
Khi HTX thu gom và xử lý rác thải đi vào hoạt động chẳng những giải quyết được bài toán rác thải mà còn góp phần làm đẹp hơn hình ảnh du lịch Đất Mũi trong lòng du khách, lớn hơn nữa là bảo vệ môi trường trong lành cho thế hệ con cháu mai sau”.
Có thể bạn quan tâm

Trước đó, như Báo Quảng Ngãi điện tự đã phản ánh, từ khoảng đầu tháng 2 vừa qua, tại khu vực hồ chứa Nước Trong, nằm trên địa bàn 2 xã Sơn Bao (Sơn Hà) và xã Trà Thọ (Tây Trà) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống hàng chục hộ dân trong vùng.

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Chỉ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định của nhà nhập khẩu, có đầu ra ổn định thì nghề nuôi tôm mới có thể phát triển ổn định và bền vững.

Tại tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri phát triển nghề chăn nuôi vịt chạy đồng quy mô lớn nhất tỉnh. Nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập chủ yếu từ nuôi vịt thịt và nuôi vịt đẻ trứng. Thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước và các tỉnh lân cận Bến Tre, đã tác động mạnh đến đầu ra của sản phẩm gia cầm, khiến nhiều hộ chăn nuôi gia cầm lo lắng

Những người chăn nuôi đang bị bủa vây tứ phía, đối mặt với nguy cơ phá sản, buộc phải “treo” chuồng, tạm ngưng chăn nuôi vì thua lỗ nặng do sản phẩm không ngừng rớt giá.

Có thâm niên 7 năm trong nghề chăn nuôi lợn, anh Nghiêm Xuân Hùng ở thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là người đã thành công trong việc xây dựng được quy trình chăn nuôi lợn khép kín cho thu nhập ổn định.