Vụ Vải Thiều Sẽ Kết Thúc Trong 10 Ngày Tới

Trung bình lượng vải thiều tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 3.900 tấn/ngày, lúc cao điểm có thể đạt khoảng 5.000 tấn/ngày.
Vụ vải thiều năm nay được đánh giá là "không được mùa", nhiều vườn vải của bà con nông dân không đậu quả, dự kiến tổng sản lượng vải thiều trên địa bàn đạt khoảng 140.000 tấn (giảm khoảng 10.000 tấn so với vụ vải thiều năm 2012); trong đó có 7.700 ha được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 36 nghìn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hầu hết bà con trồng vải thiều đều phấn khởi vì vải thiều mất mùa nhưng lại được giá.
Vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ thuận lợi, được giá cao
Vụ vải thiều năm 2013, tuy huyện Lục Ngạn bị mất mùa, sản lượng vải thiều ước chỉ đạt 70 nghìn tấn quả tươi, giảm khoảng 15.000 tấn so với vụ trước nhưng bù lại, việc tiêu thụ vải thiều luôn thuận lợi và người dân bán được giá cao…
Theo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, tính đến hết ngày 25/6, nhân dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ được khoảng 57.000 tấn vải thiều (gồm 50.300 tấn vải thiều chính vụ, còn lại là các giống vải thiều chín sớm), trong đó vải thiều ngon - loại 1 và loại 2 chiếm tới 90%. Số vải thiều chín muộn chưa được bà con thu hoạch ước còn khoảng 10.000 tấn và tập trung nhiều ở các xã như: Hồng Giang, Giáp Sơn, Biên Sơn, Phì Điền, Thanh Hải, Quý Sơn, Hộ Đáp và Tân Sơn.
Nhờ sự "vào cuộc" của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều như: Tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân ở khắp mọi nơi về Lục Ngạn tham gia thu mua vải thiều cho nhân dân; làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông… nên từ đầu vụ vải thiều đến nay, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của người dân luôn diễn ra thuận lợi. Bà con thu hoạch vải thiều đến đâu, bán hết ngay đến đó với giá cao (giá cao nhất tính đến ngày 25/6 là 33.000 đ/kg vải thiều tươi).
Vào thời điểm vụ vải thiều chín rộ, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có đến hơn 500 điểm thu mua vải thiều của tư thương đặt cố định tại trung tâm các xã, thị trấn và hàng trăm xe ô tô tải thu mua vải thiều (hàng xô) trên các tuyến đường. Thời điểm đó, trung bình mỗi ngày, nhân dân thu hoạch và tiêu thụ khoảng 4.000 tấn vải thiều nhưng không xảy ra tình trạng tư thương ép giá. Tuy nhiên, hiện tượng trừ lùi cân vô lý (mỗi tạ lùi từ 5 - 7 kg) của các điểm thu mua vẫn còn tồn tại.
Đặc biệt, nhờ có sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng như: Công an, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện, Đội thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong vụ vải thiều … nên năm nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn không xảy ra tắc đường với thời gian dài. Công tác lưu thông hàng hoá được bảo đảm thuận lợi.
Ước tính khoảng 10 ngày nữa, nhân dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn sẽ thu hoạch xong vụ vải thiều năm 2013. Nếu chỉ tính với số vải thiều đã được thu hoạch (57.000 tấn) với giá bình quân 17.000 đ/kg thì đến nay, người dân Lục Ngạn đã "bỏ túi" được gần 970 tỷ đồng từ vải thiều.
Năm 2012, tổng diện tích vải thiều của Bắc Giang khoảng 34.000 ha, sản lượng toàn tỉnh đạt khoảng 150.000 tấn. Vải thiều chính vụ thu hoạch từ 15/6 - 15/7/2012. Tiêu thụ nội địa đạt khoảng 90.000 tấn (60% sản lượng); xuất khẩu khoảng 60.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc (chiếm 95% lượng xuất khẩu); xuất sang các thị trường Campuchia, Lào, Australia, các nước EU…
Có thể bạn quan tâm

Xứ sở trái hồng đặc sản D’Ran (thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang chịu ảnh hưởng nặng nề của những tin đồn thất thiệt xuất hiện trong thời gian gần đây như ngâm tẩm hoá chất độc hại hay bị nghi ngờ là hồng Trung Quốc.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được ví như luồng sinh khí mới, giúp các xã vùng B của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thêm động lực và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xã Đại Minh là một điểm sáng.

Hội thi Sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm lượt hội viên, ND tham gia. Nhiều sáng chế được công nhận, giúp tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đời sống ở nông thôn.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, dự án “Phục tráng giống bưởi Phúc Trạch” ở huyện Hương Khê đã thành công mỹ mãn.

Sau 5 năm xây dựng NTM, toàn huyện Hóc Môn có hơn 15.200 hộ dân thoát nghèo nhờ các chương trình gia tăng thu nhập cho người dân. Hiện Hóc Môn đã không còn hộ nghèo dưới mức thu nhập 12 triệu đồng/người/năm.