Vụ Trái Cây Tết Kém Vui

Nhiều nhà vườn làm trái cây bán tết dịp này buồn nhiều hơn vui. Vì năm nay thời tiết bất thường, đa số các vườn chọn cách xử lý cây cho trái bán dịp Tết Nguyên đán đều không thành công.
Vào dịp cuối năm, nông dân ở Đồng Nai thường dùng biện pháp kỹ thuật để có bưởi, xoài, quýt, mãng cầu bán Tết Nguyên đán. Song năm nay theo các nhà vườn, tỷ lệ trái xử lý bán tết chỉ đạt 30-40% so với năm 2012.
* Thất mùa xoài tết
Trong tỉnh có 3 vùng trồng xoài lớn là: Vĩnh Cửu, Định Quán và Xuân Lộc. Mỗi năm nông dân thường xử lý cho cây xoài ra trái 2 vụ: vào dịp Tết Nguyên đán và dịp tháng 3, 4. Nếu xoài xử lý đạt vào dịp tết, nông dân thường bán được giá cao hơn, nên hầu hết các nhà vườn đều thực hiện.
Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) than: “Các xã viên trong hợp tác xã đều xử lý xoài trái vụ bán tết, song tỷ lệ đậu trái chỉ đạt khoảng 30% so với năm trước. Vì thế, dịp tết này rất ít xã viên có xoài bán”. Cũng theo ông Bông, các hộ trồng xoài khác của xã cũng gặp tình cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), người có trang trại xoài rộng trên 20 hécta và có thâm niên nhiều năm trong nghề trồng xoài cũng ngao ngán: “Vườn của tôi được nhiều người đánh giá là xử lý đạt, nhưng so với dịp gần tết năm 2013 năng suất chỉ bằng một nửa”.
Do thất mùa nên giá xoài năm nay cao hơn năm trước 3-4 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Đảm, ấp 2B, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), nói: “Hơn 2 hécta xoài của tôi xử lý cho trái bán vào dịp Noel và Tết Nguyên đán. Tuy năng suất năm nay thấp, nhưng bù lại đầu ra rất thuận lợi, thương lái vào tận vườn mua với giá từ 11-12 ngàn đồng/kg”.
Theo các hộ nông dân trồng xoài, mọi năm xoài quá xấu nông dân thường đổ bỏ thì dịp này thương lái vào vườn mua hết với giá 7-8 ngàn đồng/kg. Và một số thương lái nhận định, tết này giá xoài sẽ mắc hơn trong năm, vì không chỉ Đồng Nai mà các tỉnh miền Tây xoài tết cũng bị thất mùa.
* Bưởi tết hiếm hàng
Về vùng bưởi Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) dịp này, tìm những vườn bưởi trĩu trái dành bán tết rất hiếm. Tỷ lệ trái các nhà vườn giữ lại chỉ bằng 20-30% so với năm trước. Lý do khiến bưởi tết Tân Bình năm nay hiếm hàng là do thời tiết không thuận, nhiều nhà vườn thấy giá bưởi dịp này cao nên đã bán bớt, chỉ giữ lại số lượng ít.
Phó chủ nhiệm HTX bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) Ngô Văn Thân chia sẻ: “Dịp tết năm trước, HTX có hơn 300 tấn bưởi bán tết, song năm nay số lượng chỉ còn chừng trên 100 tấn, bằng 40% so với tết trước. Thời điểm này, các vườn có bưởi bán tết đều được thương lái vào đặt mua”. Một số nhà vườn trồng bưởi ở xã Tân Bình cho hay, năng suất bưởi năm nay không đạt, từ chính vụ đến thời điểm này, giá bán cao gấp 1,5 lần so với năm trước nên nhiều nhà vườn đã bán dần, không neo lại chờ tết.
“Năm 2012, vào chính vụ bưởi chỉ có hơn 200 ngàn đồng/chục, tôi đã neo lại khoảng 5 ngàn trái để bán tết. Còn năm nay từ chính vụ cho đến dịp này, giá dao động từ 350-400 ngàn đồng/chục, tôi đã bán gần hết chỉ để lại khoảng 500 trái bán tết” - ông Lê Văn Tự ở ấp Tân Triều, xã Tân Bình cho biết. Giữ bưởi bán tết là việc không dễ, đòi hỏi các nhà vườn phải có kỹ thuật, kinh nghiệm tốt mới làm được. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay khá bất thường, bưởi hay bị sâu bệnh nên nhiều nhà vườn thấy bưởi được giá là bán ngay mà không đợi tết.
Ngoài bưởi, xoài thì quýt xử lý bán Tết 2014 cũng rất ít hàng. Vì diện tích quýt trong tỉnh hiện giảm rất nhiều, một số vùng trồng quýt lớn của huyện Long Thành, Tân Phú gần như bị xóa sổ. Ngay nơi được mệnh danh “thủ phủ” của quýt đường ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) diện tích quýt chỉ còn 1/3. Mãng cầu xiêm ở vùng Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) diện tích còn không đáng kể nên lượng trái cho dịp tết sẽ rất ít.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang nở rộ, nhất là vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.

Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại các xã ven biển, ven đầm chung tay với chính quyền địa phương tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát tại các điểm nóng, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm

Thời tiết đang rét đậm kèm theo gió mùa Đông Bắc nên sức đề kháng của vật nuôi và thủy sản giảm, sinh trưởng phát triển chậm, dễ mắc bệnh, thậm chí có thể chết rét hàng loạt nếu như không có biện pháp phòng, chống kịp thời

Những năm qua, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản của ngư dân Tiền Giang lên đến 30%. Nguyên nhân chính là do hầm bảo quản không đảm bảo, phương pháp bảo quản còn lạc hậu, khiến chất lượng hải sản giảm sút. Do đó, việc nâng cấp hầm bảo quản, áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến là vô cùng cần thiết, để giảm tổn thất sau thu hoạch.

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.