Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá

Sản lượng giảm mạnh
Vào giữa tháng 8.2015, ông Nguyễn Tố Qua ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) thả nuôi 10 nghìn con tôm thẻ chân trắng giống trong ao nuôi 5 nghìn mét vuông.
Chưa đầy 2 tháng sau, ông quyết định xuất bán tôm cho thương lái.
Vụ này tổng sản lượng tôm mà ông thu hoạch được chỉ đạt 2,5 tạ, chưa bằng 70% so với các lần trước.
Theo ông Qua, hồi trước thông thường mỗi năm người dân vùng này chỉ nuôi 2 vụ tôm chính nhưng mấy năm gần đây không ít hộ đã thay đổi theo hướng tăng vụ bằng việc thả sớm hơn lịch quy định và rút ngắn thời gian nuôi bởi thời tiết thất thường.
Ông Qua nói: “Riêng gia đình tôi, từ đầu năm 2015 đến nay đã thả nuôi 4 lứa tôm.
Trong đó, đợt 1 và đợt 2 thu lãi được gần 80 triệu đồng, còn đợt 3 và đợt 4 này thì mỗi vụ lỗ hơn 5 triệu đồng vì tôm bị nhiễm bệnh nên chết nhiều khiến sản lượng đạt thấp”.
Người nuôi tôm ở vùng đông Duy Xuyên kiểm tra tôm thả nuôi trước khi thu hoạch.
Ngay cạnh hồ nuôi của ông Qua là hồ tôm của ông Nguyễn Bảy.
Liên tục mấy ngày nay ông Bảy huy động người dân nhanh chóng thu hoạch tôm để kịp bán cho thương lái nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do mưa lũ.
Ông Bảy cho biết đây là đợt thu hoạch thứ 3 trong năm và sản lượng tôm đạt rất thấp.
“Trong vụ cuối này, với diện tích ao nuôi rộng hơn 4.500m2, tôi thả gần 10 nghìn con tôm giống nhưng nay chỉ thu được xấp xỉ 2 tạ tôm thịt.
Nguyên nhân là thời tiết diễn biến hết sức bất thường, nhất là sau khi cơn bão số 3 xuất hiện đến nay con tôm mắc phải một số bệnh nên xảy ra hiện tượng chết rải rác”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trung – cán bộ phụ trách thủy sản xã Duy Vinh cho biết, mấy ngày nay người dân địa phương gấp rút thu hoạch 70ha diện tích tôm nuôi vụ cuối của năm 2015, tập trung nhiều nhất tại 2 thôn Đông Bình và Hà Mỹ.
Theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng tôm vụ này chỉ đạt 50 tấn, chưa bằng 50% so với lứa trước.
Nguyên nhân chủ yếu là cơn bão số 3 hồi giữa tháng 9 dương lịch gây mưa to, dẫn đến mực nước ở các hồ nuôi thay đổi thất thường, thậm chí một số hồ nước tràn qua bờ gây thất thoát lớn cho người dân.
Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật chăm sóc, ao nuôi, con giống cũng chưa thực sự đảm bảo theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Ông Trung nói: “Trước khi bước vào mỗi vụ nuôi, chúng tôi thường phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho người dân và luôn khuyến cáo họ tuân thủ nghiêm lịch thời vụ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số hộ dân vẫn cứ tự ý phá vỡ quy định”.
Rớt giá
Khác với trước đây, giá tôm dao động 90 - 120 nghìn đồng/kg thì vụ này giảm xuống còn 75 - 100 nghìn đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Quân ở thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh) cho biết, trong đợt cuối của năm 2015 này ông thả nuôi 15 nghìn con tôm giống theo hình thức lót bạt.
Hiện tại, con tôm đã tới kỳ xuất bán, thương lái tìm đến tận hồ hỏi mua nhưng giá đưa ra chỉ 100 nghìn đồng/kg, giảm 20 nghìn đồng so với trước đây.
Ông Quân chia sẻ: “Từ trước đến nay, giá cả tôm nuôi cứ phụ thuộc vào thị trường và thương lái vẫn là người định đoạt giá.
Nếu thấy được mình bán, còn không thì phải tự tìm cách tiêu thụ.
Riêng thời điểm này, nếu tôi không gật đầu bán thì lỡ mưa lũ bất ngờ ào đến chắc chắn sẽ trắng tay.
Thôi thì phải đành chấp nhận.
Mấy năm nay, không ít người dân ở vùng quê sông nước này đã quyết định bỏ hồ nuôi để chuyển sang làm các ngành nghề khác nhưng rồi họ cũng quay lại với con tôm, dù rằng việc sản xuất luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do yếu tố thời tiết và thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Đâu riêng gì ông Quân, vụ này nhiều hộ dân khác ở các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Thành của huyện Duy Xuyên cũng gặp khó khăn vì mất một khoản thu nhập không nhỏ do tôm rớt giá mạnh.
Theo ông Trần Châu Giang – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, vụ cuối của năm 2015 toàn huyện có 112ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại 3 xã vừa nêu.
Trong giai đoạn đầu, con tôm phát triển rất tốt nhưng đến thời điểm gần cuối vụ thì gặp phải thời tiết bất lợi nên một số loại dịch bệnh bùng phát và gây hại nhiều hồ tôm.
Ông Giang nói: “Qua số liệu thống kê mới nhất cho thấy, lứa này tổng sản lượng tôm thịt mà người dân trên địa bàn huyện thu được khoảng 118 tấn, chỉ bằng một nửa so với vụ 1.
Trong khi đó, giá bán sản phẩm lại thấp hơn mùa trước 10 - 20 nghìn đồng/kg.
Vì thế, tính chung các hộ nuôi tôm ở Duy Xuyên sẽ mất không dưới 1,5 tỷ đồng”.
Có thể bạn quan tâm

Với đàn heo khoảng 1,5 triệu con, đàn gà gần 14 triệu con, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tôm hùm giống, Trường Đại học Nha Trang đang triển khai đề tài: “Đánh giá tác động của nghề khai thác tôm hùm giống đến cảnh quan môi trường và nguồn lợi vịnh Nha Trang”.

Nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và các đơn vị trong tỉnh có nhu cầu xây dựng chứng nhận quốc tế, ngày 1/6, Sở NN&PTNT Cà Mau phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức khoá tập huấn xây dựng và thực hiện chứng nhận quốc tế nghề nuôi tôm tại Cà Mau cho các doanh nghiệp và các cán bộ đến từ các chi cục thuộc Sở NN&PTNT.

Trong tháng 5/2015, ngư dân huyện Thuận Nam vươn khơi đánh bắt xa bờ, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 1.220 tấn, tăng 2,4 lần so với tháng trước; nâng tổng sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay lên 8.560 tấn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, một số loại hải sản xuất hiện dày... nên ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác được hơn 43.100 tấn thủy sản, bằng 49% kế hoạch năm, trong đó khai thác cá ngừ đại đương mắt to, vây vàng được 1.702 tấn.