Vụ Thương Lái Trung Quốc Tranh Mua Tôm Nguyên Liệu

Một trong những bài học đắt giá cần được rút ra từ nạn thương lái Trung Quốc tranh mua nguồn tôm nguyên liệu vừa qua, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bỏ quên người nông dân; đồng thời vai trò của ngành quản lý chưa được phát huy. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gian thương và thương lái nước ngoài câu kết trục lợi.
Thực tế cho thấy, do thiếu liên kết trong sản xuất mà các doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể tranh mua nguồn tôm nguyên liệu với các thương lái Trung Quốc. Còn ngành quản lý cũng không thể cấm nông dân bán tôm cho thương lái nước ngoài, khi giá thu mua tôm của họ cao hơn doanh nghiệp trong tỉnh đến vài ngàn đồng/kg. Hàng hóa bán cho người đưa ra giá cao vốn là quy luật của thị trường.
Do vậy, một trong những giải pháp cần được ngành quản lý và các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm hiện nay chính là xây dựng mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân. Làm được việc này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn tôm nguyên liệu để cung ứng cho các hợp đồng, còn người nông dân cũng an tâm phát triển nuôi trồng khi sản phẩm làm ra được bao tiêu, sản xuất có lãi.
Riêng ngành quản lý sẽ tránh được trường hợp thất thu từ nạn trốn và gian lận thuế, đảm bảo cho thị trường phát triển ổn định. Tạo được sự liên kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, nông dân đối với nhiều mặt hàng nông - thủy sản khác, chứ không riêng gì con tôm.
Tuy nhiên, muốn xây dựng được mối liên kết này, phải xác định được vai trò chủ thể và trách nhiệm của người cầm lái trong thực hiện mối liên kết “4 nhà”. Bởi, thực tế cũng đã chứng minh, sự thất bại từ mối liên kết “4 nhà” là do các “nhà” chưa xác định được vai trò chủ thể của mình, nên dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm. Rồi dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm, quên đi vai trò của người cầm lái trong việc chủ động, định hướng và tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ còn xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu thủy sản do nhiều nhà máy đều cần hàng để thanh toán hợp đồng. Vì vậy, việc xây dựng mối liên kết từ cánh đồng đến nhà máy cần được doanh nghiệp quan tâm. Đây cũng là giải pháp để duy trì sản xuất và phát triển ổn định. Đồng thời, góp phần chủ động phòng ngừa các thương lái nước ngoài gây xáo trộn thị trường, phá hại nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Bà Katharine Heather- Tổng Lãnh sự quán Australia vừa làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bàn về khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành đánh bắt, chế biến thủy, hải sản của Australia cho các doanh nghiệp (DN) ĐBSCL.
Trong khi nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ phải treo ao, ngừng nuôi thì gia đình ông Nguyễn Văn Phú ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vẫn “sống khỏe” với mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.

Đó là báo cáo của Chi cục Thủy sản vào chiều ngày 28/10, tại kết quả xét nghiệm cá nuôi lồng tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong - Bình Thuận) bị chết hàng loạt thời gian qua.

Đoàn cán bộ nghiên cứu Tổng cục Thủy sản - Bộ NN& PTNT phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu vừa tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa tại địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân.

Ngày 30.10, UBND xã Tân Thành (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã tổ chức ra mắt Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Tà Dơ với 11 tổ viên, vốn điều lệ là 4 tỷ đồng.