Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng

Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao được xã Vũ Ðoài (Vũ Thư - Thái Bình) chú trọng phát triển từ năm 2012. Vũ Ðoài có sông Hồng chảy qua, với đặc tính nước ngọt, lợ rất phù hợp và thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, chủ yếu là giống cá diêu hồng, cá lăng và cá chép V1.
Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Ðoài cho biết: Hiện toàn xã có hơn 50 lồng cá trên sông, tập trung nhiều nhất ở thôn 2 với 52 lồng của ông Phạm Ðình Chiểu. Mô hình được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như công tác phòng bệnh. Ðồng thời, theo cơ chế của tỉnh và của huyện được hỗ trợ một phần kinh phí làm lồng bè.
Cùng với đó, địa phương tạo điều kiện bảo đảm an toàn chung, phối hợp với các đơn vị chức năng tạo điều kiện về mặt nước, bảo đảm an toàn, trật tự trên sông, không vào luồng tàu chạy. Vốn đầu tư bình quân cho 1 lồng khoảng 50 triệu đồng, thể tích là 108m3, độ sâu 3m, thả nuôi từ 6.000 - 8.000 con cá giống, tương đương với 1,5 tạ cá giống/lồng.
Lồng cá được làm bằng sắt, thép và 3 lượt lưới bao quanh, có hệ thống phao bằng thùng phuy nhựa nâng đỡ, đặt cách bờ từ 3 - 5m bảo đảm cho dòng chảy được lưu thông, giúp đàn cá sinh trưởng tốt nhất và khâu quản lý, chăm sóc cá cũng được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Việc xử lý môi trường nước trên sông tránh tình trạng ô nhiễm được tiến hành bằng cách dùng một số hóa chất để khử ô nhiễm ở nước khi cá mắc bệnh hoặc khi nước phù sa bị đục, tạo sức đề kháng cho cá.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Phạm Ðình Chiểu ở xóm 2, xã Vũ Ðoài. Ông Chiểu chia sẻ: Mô hình nuôi cá lồng đến với tôi như một cơ duyên khi đi tham quan tại Hải Dương. Hiện nay, tôi có 10 lồng cá lăng và cá diêu hồng giống, 40 lồng cá thịt cùng 2 lồng cá dự trữ để bán.
Theo ông Chiểu, khi mới nhập cá giống về phải nuôi tại ao cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đã quen dần, đủ cứng cáp và có sức đề kháng tốt mới thả ra lồng trên sông. Môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Thức ăn chủ yếu của các giống cá nuôi trong lồng là cám viên nổi (cám công nghiệp) và cá biển.
Việc bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, chi phí thấp, ít bị dịch bệnh, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/lồng đối với cá diêu hồng và từ 8 - 10 tấn/lồng đối với cá lăng. Theo tính toán của ông Chiểu, một lồng cá nuôi trên sông cho năng suất bằng 6 mẫu ao, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi trong ao, hồ. Một năm ông thu hoạch 160 - 180 tấn cá, sau khi trừ tất cả các chi phí còn thu lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng.
Bên cạnh hiệu quả mô hình này mang lại, vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn. Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Ðoài cho biết: Thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt trong mùa mưa bão, lũ lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng oxy, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các giống cá.
Hơn nữa, vốn đầu tư khá lớn, nhiều hộ gia đình rất muốn xây dựng mô hình cá lồng nhưng không có vốn để đầu tư và nếu không nắm vững các kỹ thuật sẽ dẫn đến nhiều bất lợi, rủi ro.
Bởi vậy, địa phương và những người trực tiếp tham gia thả nuôi rất cần sự vào cuộc, giúp đỡ của các cấp, các ngành chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân những kiến thức cơ bản trong chăm sóc, phát hiện và phòng trừ dịch bệnh trên đàn cá, từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
Ðồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để bà con yên tâm đầu tư. Mặt khác, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hộ dân về diện tích mặt nước, giúp đỡ các gia đình giữ gìn trật tự, an toàn trên sông.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hy vọng trong thời gian tới người dân nơi đây sẽ mạnh dạn đầu tư thả nuôi cá theo hình thức mới này để mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng được nhân rộng hơn nữa, góp phần đa dạng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương, nâng cao đời sống cho những hộ dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Điều cốt lõi của nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống của nông dân, thể hiện rõ nhất ở mức thu nhập. Trong đó, 2 địa phương “đột phá” trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt những con số ấn tượng: TX.Long Khánh đạt thu nhập bình quân 38,6 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so với năm 2009), Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2008).

Hội Làm vườn huyện Lai Vung hiện có 651 hội viên, tăng 181 hội viên so với năm 2013. Hội đã thành lập được 4 Hội Làm vườn ở các xã: Vĩnh Thới, Hòa Thành, Tân Thành, Phong Hòa. Năm 2014, Hội vận động nhà vườn tổ chức các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao như: tổ liên kết trồng quýt của Hội Cựu chiến binh xã Long Hậu, tổ hợp tác trồng thanh long, cam xoàn xã Vĩnh Thới,...

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vừa tổ chức Đại hội thành viên bất thường chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và thực hiện bán cổ phần. Đây là Đại hội điểm của huyện và là HTX thứ hai của huyện Tam Nông (sau HTX Tân Cường, xã Phú Cường) tiến hành việc chuyển đổi.

Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi trên-dưới 8 triệu đồng; người nuôi tôm càng xanh, lươn và cá tra cũng có lãi... Đặc biệt, trong tháng 12/2014, Công ty cổ phần Thủy sản IV đặt trạm thu mua tại xã Phú Thành B, đã thu mua được hơn 10,7 tấn tôm càng xanh các loại.

Theo thương lái, giá quýt đường tăng trở lại là do quýt đường ở các nơi như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... hết mùa. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ quýt đường lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu tiêu thụ mạnh trở lại. Theo dự đoán từ đây đến Tết Nguyên đán giá quýt có thể sẽ tiếp tục tăng.