Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Khó Đạt Mục Tiêu Do Thời Tiết Bất Lợi

Mục tiêu đặt ra cho vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 toàn tỉnh Cà Mau trên 43.000 ha. Thế nhưng, theo bà con nông dân, năm nay việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước. Chính điều đó khiến nông dân lưỡng lự trong việc chọn giống cũng như thời gian xuống giống.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm từ khi đưa vào sản xuất được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Chính vì thế, mô hình này ngày một được nhân rộng ra nhiều huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, trong vụ mùa 2014 này, TP Cà Mau đưa ra chỉ tiêu 1.700 ha, U Minh phấn đấu 10.000 ha, Thới Bình là 25.000 ha, Trần Văn Thời 4.000 ha, Cái Nước dự kiến đạt 3.000 ha. Thế nhưng, những mục tiêu này rất khó đạt được.
Ðã hơn 7 năm canh tác lúa trên đất nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình tích luỹ khá nhiều kinh nghiệm.
Thế nhưng, đến thời điểm này ông vẫn chưa có động thái nào chuẩn bị vụ mùa. Ông Hùng nhận định, thời tiết diễn biến rất thất thường, mưa nắng cục bộ nên rất khó rửa mặn. Tuy đã có những trận mưa lớn nhưng lượng mưa không đều nên đến thời điểm này nước trong vuông vẫn còn độ mặn trên 6%o; nước dưới sông cũng còn mặn từ 7-8 %o.
Ðộ mặn còn cao, không thể xuống giống, trong khi giá tôm hiện nay cũng đang duy trì mức cao khiến nhiều hộ dân lưỡng lự trong việc rửa mặn chuẩn bị vụ lúa. Ông Ðoàn Văn Luôn, ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh, nhận định, ngoài những nguyên nhân trên, diễn biến thời tiết cho thấy năm nay mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn những năm trước. Ðiều đó đồng nghĩa với nước mặn sẽ về sớm vào thời điểm lúa làm đòng hay trổ bông, từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Những lo ngại của người dân cho vụ lúa trên đất nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở trong điều kiện thời tiết hiện nay cũng như tình trạng đất nhiều năm đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, khuyến cáo, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt năng suất cao, nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ đã được Sở NN&PTNT đưa ra. Ðồng thời, nên chọn những giống lúa ngắn ngày để né nắng sớm, nước mặn về trước thời gian dự kiến.
Chọn lúa ngắn ngày được xem là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện thời tiết hiện nay, nhưng ông Hùng lại cho rằng, đa phần các giống lúa ngắn ngày là các loại lúa lai, giá thành giống rất cao (trên 100.000 đồng/kg) nên chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Ðồng thời, với thời tiết ẩm như hiện nay mạ rất dễ bị thiệt hại do bệnh đạo ôn và nhiều loại sâu, bệnh khác.
Những khó khăn trên có thể dẫn đến khả năng vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay không đạt theo kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vừa tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học.

Phú Yên có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, nhưng việc phát triển thủy sản nước ngọt trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chỉ hơn 276ha, với tổng sản lượng khoảng 304 tấn.

Hiện nay, thịt nhập khẩu về Việt Nam dù vẫn chịu thuế nhưng đã có lúc lấn át thịt trong nước về giá khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng. Sắp tới đây, khi thuế nhập khẩu thịt ngoại bằng 0, thị trường này sẽ là cuộc đọ sức nhiều cam go.

Năm 2013, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 750ha thủy sản, trong đó 430ha cá ruộng. Hầu hết diện tích thả nuôi đều trúng mùa, được giá. Nhưng vui nhất là những hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực và nuôi ghép các loại cá “đen” trên ruộng lúa. Đây là mô hình mới ở tỉnh Hậu Giang sẽ được nhân rộng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tháng 7-2013, anh Đặng Văn Phụng ở ấp Rạch Gừa - xã Phú Long (Bình Đại - Bến Tre) được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm thí điểm thực hiện mô hình nuôi ếch trong vèo kết hợp với nuôi cá trê và cá điêu hồng dưới ao.