Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Khó Đạt Mục Tiêu Do Thời Tiết Bất Lợi

Mục tiêu đặt ra cho vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 toàn tỉnh Cà Mau trên 43.000 ha. Thế nhưng, theo bà con nông dân, năm nay việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước. Chính điều đó khiến nông dân lưỡng lự trong việc chọn giống cũng như thời gian xuống giống.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm từ khi đưa vào sản xuất được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Chính vì thế, mô hình này ngày một được nhân rộng ra nhiều huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, trong vụ mùa 2014 này, TP Cà Mau đưa ra chỉ tiêu 1.700 ha, U Minh phấn đấu 10.000 ha, Thới Bình là 25.000 ha, Trần Văn Thời 4.000 ha, Cái Nước dự kiến đạt 3.000 ha. Thế nhưng, những mục tiêu này rất khó đạt được.
Ðã hơn 7 năm canh tác lúa trên đất nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình tích luỹ khá nhiều kinh nghiệm.
Thế nhưng, đến thời điểm này ông vẫn chưa có động thái nào chuẩn bị vụ mùa. Ông Hùng nhận định, thời tiết diễn biến rất thất thường, mưa nắng cục bộ nên rất khó rửa mặn. Tuy đã có những trận mưa lớn nhưng lượng mưa không đều nên đến thời điểm này nước trong vuông vẫn còn độ mặn trên 6%o; nước dưới sông cũng còn mặn từ 7-8 %o.
Ðộ mặn còn cao, không thể xuống giống, trong khi giá tôm hiện nay cũng đang duy trì mức cao khiến nhiều hộ dân lưỡng lự trong việc rửa mặn chuẩn bị vụ lúa. Ông Ðoàn Văn Luôn, ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh, nhận định, ngoài những nguyên nhân trên, diễn biến thời tiết cho thấy năm nay mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn những năm trước. Ðiều đó đồng nghĩa với nước mặn sẽ về sớm vào thời điểm lúa làm đòng hay trổ bông, từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Những lo ngại của người dân cho vụ lúa trên đất nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở trong điều kiện thời tiết hiện nay cũng như tình trạng đất nhiều năm đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, khuyến cáo, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt năng suất cao, nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ đã được Sở NN&PTNT đưa ra. Ðồng thời, nên chọn những giống lúa ngắn ngày để né nắng sớm, nước mặn về trước thời gian dự kiến.
Chọn lúa ngắn ngày được xem là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện thời tiết hiện nay, nhưng ông Hùng lại cho rằng, đa phần các giống lúa ngắn ngày là các loại lúa lai, giá thành giống rất cao (trên 100.000 đồng/kg) nên chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Ðồng thời, với thời tiết ẩm như hiện nay mạ rất dễ bị thiệt hại do bệnh đạo ôn và nhiều loại sâu, bệnh khác.
Những khó khăn trên có thể dẫn đến khả năng vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay không đạt theo kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Miền Trung, Tây Nguyên đang bước vào đợt nắng gay gắt và khô hạn kéo dài. Thiếu nước, chân ruộng khô nứt nẻ. Lúa gieo sạ đến kỳ làm đòng, trổ bông nhưng vẫn cứ trơ trơ. Hàng ngàn hécta mía, cà phê khô héo; nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Do hệ thống cấp thoát nước yếu kém và không có ao lắng, nên vào những ngày này bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản gặp không ít khó khăn trong lấy nước vào hồ để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Theo ông Cao Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), hiện nay toàn xã có khoảng hơn 6.300 ha cây trồng; trong đó có 98 ha lúa nước và hơn 2.023 ha cà phê là loại cây nhiều nước tưới.

Cơ quan Thú y vùng VII, thành phố Cần Thơ vừa kết hợp với ngành chức năng huyện Cái Nước (Cà Mau) kiểm tra tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ.

Năm 2014, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đặt ra chỉ tiêu phát triển mới 9.500 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, đến nay nông dân đã thực hiện được gần 1.000 ha.