Vụ Lúa Hè Thu 2014 Nông Dân Tập Trung Xuống Giống Né Rầy

Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và làm vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ vụ hè thu 2014. Để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy…
Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, nông dân trong tỉnh đã xuống giống gần 10.000ha lúa hè thu. Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng xuống giống đúng theo lịch thời vụ nhằm né rầy và tránh các dịch bệnh khác phá hại lúa.
Sau khi sạ được 10 ngày, tôi cho nước vào ruộng để giảm mật số rầy đeo bám lúa. Đây là phương pháp phòng trừ rầy hiệu quả và bảo vệ thiên địch”. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn áp dụng phương pháp sạ hàng, canh tác theo hướng “3 giảm - 3 tăng”.
Nông dân huyện Phước Long cũng đang xuống giống lúa hè thu. Theo anh Nguyễn Văn Bảy (xã Vĩnh Thanh) - người có hơn 10 công đất sản xuất lúa: “Vụ hè thu năm nay, tôi chọn giống lúa OM 4900 để trồng trên toàn bộ diện tích đất. Đây là giống lúa chất lượng cao được ngành chức năng khuyến khích sử dụng”.
Huyện Phước Long đã xuống giống khoảng 2.000ha lúa hè thu, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh và Hưng Phú.
Các giống lúa chủ lực được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất là OM 4900, OM 7347, OM 4218, OM 5451… Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long nhận định: “Khoảng 15 ngày nữa nông dân sẽ xuống giống lúa hè thu đại trà, và xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 5/2014 theo đúng lịch thời vụ”.
Ở huyện Hòa Bình, nông dân bơm nước vào đồng ruộng để xuống giống vụ hè thu. Dự kiến, đến cuối tháng 5/2014, bà con sẽ xuống giống dứt điểm theo lịch thời vụ.
Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã có lịch xuống giống lúa hè thu và lịch né rầy. Theo đó, huyện Hồng Dân xuống giống từ ngày 1 - 10/5/2014; các huyện, thành phố còn lại tùy điều kiện xuống giống từ đầu tháng 5 đến ngày 25/5/2014.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chọn các loại giống chất lượng cao (nhưng mỗi loại giống không quá 20%), giống cấp xác nhận và áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” vào sản xuất…”.
Để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trong vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn chương trình “3 giảm - 3 tăng”, hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy… Đồng thời, khuyến cáo nông dân tiết kiệm, không bón phân, xịt thuốc theo kiểu trừ hao để phòng ngừa sâu bệnh.
Cần lưu ý cho nước vào ruộng lúa, dựa vào bảng so màu lá lúa để bón phân một cách hợp lý, tránh bón thừa phân đạm, gây phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại lúa.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.

Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông đang lập đề án vay vốn 776 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt.

“Giấc mơ” làm giàu từ chồn nhung đen của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay thực sự đã kết thúc. Tiền mất, công sức bỏ ra “trôi xuống sông, xuống biển” và điều mà các hộ dân này nhận được là một bài học đắt giá. Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhìn nhận một cách toàn diện để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý công tác chăn nuôi hiện nay.

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có khoảng 750 ha nhãn cho thu hoạch với các giống: Miền Thiết, Da Bò và nhãn muộn Khoái Châu…