Vụ Lúa Hè Thu 2014 Nông Dân Tập Trung Xuống Giống Né Rầy

Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và làm vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ vụ hè thu 2014. Để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy…
Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, nông dân trong tỉnh đã xuống giống gần 10.000ha lúa hè thu. Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng xuống giống đúng theo lịch thời vụ nhằm né rầy và tránh các dịch bệnh khác phá hại lúa.
Sau khi sạ được 10 ngày, tôi cho nước vào ruộng để giảm mật số rầy đeo bám lúa. Đây là phương pháp phòng trừ rầy hiệu quả và bảo vệ thiên địch”. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn áp dụng phương pháp sạ hàng, canh tác theo hướng “3 giảm - 3 tăng”.
Nông dân huyện Phước Long cũng đang xuống giống lúa hè thu. Theo anh Nguyễn Văn Bảy (xã Vĩnh Thanh) - người có hơn 10 công đất sản xuất lúa: “Vụ hè thu năm nay, tôi chọn giống lúa OM 4900 để trồng trên toàn bộ diện tích đất. Đây là giống lúa chất lượng cao được ngành chức năng khuyến khích sử dụng”.
Huyện Phước Long đã xuống giống khoảng 2.000ha lúa hè thu, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh và Hưng Phú.
Các giống lúa chủ lực được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất là OM 4900, OM 7347, OM 4218, OM 5451… Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long nhận định: “Khoảng 15 ngày nữa nông dân sẽ xuống giống lúa hè thu đại trà, và xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 5/2014 theo đúng lịch thời vụ”.
Ở huyện Hòa Bình, nông dân bơm nước vào đồng ruộng để xuống giống vụ hè thu. Dự kiến, đến cuối tháng 5/2014, bà con sẽ xuống giống dứt điểm theo lịch thời vụ.
Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã có lịch xuống giống lúa hè thu và lịch né rầy. Theo đó, huyện Hồng Dân xuống giống từ ngày 1 - 10/5/2014; các huyện, thành phố còn lại tùy điều kiện xuống giống từ đầu tháng 5 đến ngày 25/5/2014.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chọn các loại giống chất lượng cao (nhưng mỗi loại giống không quá 20%), giống cấp xác nhận và áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” vào sản xuất…”.
Để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trong vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn chương trình “3 giảm - 3 tăng”, hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy… Đồng thời, khuyến cáo nông dân tiết kiệm, không bón phân, xịt thuốc theo kiểu trừ hao để phòng ngừa sâu bệnh.
Cần lưu ý cho nước vào ruộng lúa, dựa vào bảng so màu lá lúa để bón phân một cách hợp lý, tránh bón thừa phân đạm, gây phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại lúa.
Có thể bạn quan tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, dịch bệnh, giá bán dưới giá thành sản xuất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống và các vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) còn nhiều hạn chế…

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản. Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng Cây trồng Quốc tế (IPNI), phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng.

Tận dụng lợi thế địa hình xã có nhiều đồi núi và vườn cây ăn quả, nhiều hộ dân ở xóm Giếng Đá, xã Tiền An (Quảng Yên - Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật. Từ đây, ong đã trở thành con vật nuôi xoá đói giảm nghèo hiệu quả, giúp nhiều hộ dân ở đây vươn lên làm giàu.

Tỏa Tình là 1 trong 2 xã của tỉnh Điện Biên được chọn thí điểm thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch xã. Xã sớm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả. Hiện nay, Tỏa Tình đã hình thành vùng chuyên canh cà phê, sơn tra cho giá trị thu nhập cao.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam vừa công bố kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các khu vực sông nước lợ, nước ao nuôi và kiểm tra bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đợt 1, tháng 9. Các mẫu xét nghiệm cho thấy hiện tại độ pH trong nước các ao nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh nằm trong ngưỡng thích hợp, không phát hiện khí độc NH3; vi khuẩn vibrio có mặt ở hầu hết các mẫu nước ao nuôi với mật độ thấp; các mẫu kiểm tra không có ký sinh trùng, vi rút gây bệnh.