Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Lúa Bất An

Vụ Lúa Bất An
Ngày đăng: 29/08/2014

Vùng đất trồng lúa Cà Mau liên tục xuất hiện dịch bệnh, trong khi vùng đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm mưa nắng thất thường, tiềm ẩn rủi ro thất bát…

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, 36.000 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, ngậm sữa nhưng gần 9.000 ha bị bệnh đốm vằn, cháy bìa lá, rầy nâu, đạo ôn cổ bông tập trung nhiều ở huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh.

Vùng chuyên lúa xã Tân Lộc của huyện Thới Bình, hiện có khoảng 60% diện tích lúa thấy rõ nguy cơ giảm năng suất. Tại đồng lúa 1ha gần thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Thành Hải (ấp 3), rầy nâu rớt đầy trên mặt nước mỗi khi có ai rung tay vào bụi lúa. Ông Hải cho hay đã phun 5 lần thuốc mà bệnh vẫn chưa thuyên giảm.

"Tính ra mỗi công tôi tốn gần 2 triệu đồng tiền thuốc nhưng chẳng "nhằm nhò" gì. Trong lần phun thuốc tới đây, nếu tình hình không cải thiện chắc phải cắt bỏ những đám lúa nhiễm bệnh để giảm dịch bệnh lây lan" – ông Hải than vãn.

Theo ông Ðinh Xuân Hiệp, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thới Bình, phần lớn các trà lúa hè thu trên địa bàn đã trên 70 ngày tuổi và bị nhiễm bệnh, đặc biệt là rầy nâu, có nơi mật độ đến khoảng 3.000 con/m2.

Ngoài nhiễm rầy, ông Hiệp cũng cho hay bệnh đạo ôn cổ bông và khô vằn đầu lá lúa xuất hiện và đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là giai đoạn quan trọng như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vào cuối vụ.

Nhận định của ngành chức năng Cà Mau, rầy nâu và đạo ôn cổ bông sẽ tiếp tục gây hại cục bộ trên những diện tích lúa đã bị nhiễm nhưng chưa được phòng trừ hoặc phòng trừ chưa hiệu quả.

Thấy rõ nguy cơ dịch bệnh diễn biến bất lợi nên ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo nhà nông địa phương thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện bệnh, phun thuốc trừ bệnh hại lúa kịp thời, giảm thiệt hại.

Đồng đất tôm-lúa tại Cà Mau cũng đang gặp trở ngại như vùng chuyên canh lúa 2 vụ bởi mưa nắng thất thường. Trước tình cảnh ấy, bản thân nhà nông hơn 7 năm kinh nghiệm trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm như ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình) cũng thấy bất an.

Không như mọi năm, đến thời điểm này gia đình ông Hùng vẫn còn do dự cho vụ lúa mới trên đất nuôi tôm. Nguyên nhân do nắng cục bộ kéo dài khó rửa mặn cho đất.

Ông Hùng khẳng định chắc nịch, nước trong vuông tôm hiện độ mặn trên 6%o, bên ngoài sông còn cao hơn nên không cách nào rửa đất cho bớt mặn để trồng lúa. Cùng cảnh ấy, ông Ðoàn Văn Luôn (ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh) cho hay, đã sạ khô lúa trên sân nhưng với độ mặn cao như hiện nay thì không thể nào cấy lúa được.

Sau nhiều phen thất bát nặng với độc canh con tôm, ngành chức năng Cà Mau tìm tòi và thí điểm thành công mô hình "con tôm ôm gốc lúa".

Theo cách làm ấy, vào mùa mưa hằng năm, đất nuôi tôm sẽ được rửa mặn để trồng thêm vụ lúa, vừa tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, vừa góp phần bổ sung dưỡng chất và làm tan bớt độc tố tồn dư trong đất. Mô hình thành công, cho hiệu quả cao nên ngày càng được đông đảo nhà nông Cà Mau áp dụng.

Trong vụ mùa 2014 này, tỉnh Cà Mau phấn đấu lấp khoảng trên 43.000ha lúa trên đất nuôi tôm. Trong đó, nhiều nhất là huyện Thới Bình (25.000 ha), kế đó là U Minh (10.000 ha), Trần Văn Thời (4.000 ha), Cái Nước (3.000 ha), TP Cà Mau (1.700 ha). Nếu thời gian tới mưa không xuất hiện đều đặn, nhiều khả năng mục tiêu sẽ khó thực hiện được.

Nguyên nhân ngoài chuyện khó rửa mặn vì độ mặn cao còn bởi giá tôm đang duy trì mức ổn định, nhiều nông hộ lưỡng lự giữa canh tác tôm hay lấp thêm vụ lúa.

Ngoài những nguyên nhân trên, nhà nông cũng nghi ngờ mùa mưa năm nay kết thúc sớm hơn mọi năm, đồng nghĩa với nước mặn sẽ về sớm vào thời điểm lúa làm đòng hoặc trổ bông, thiệt hại sẽ khó tránh khỏi.

Theo ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt năng suất cao, nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ và chọn những giống lúa ngắn ngày để né nắng, né nước mặn về sớm hơn dự kiến.

Trong điều kiện đồng đất nhiễm mặn cao khó trồng lúa trên đất nuôi tôm như hiện nay, giải pháp ấy khá hữu hiệu nhưng nhà nông vẫn còn e ngại.

Phần bởi các giống lúa ngắn ngày và chịu mặn cao có giá rất cao, làm tăng chi phí đầu tư. Nhà nông tỉnh này cũng thấy rõ dịch bệnh đang hoành hành trên các trà lúa hè thu vùng ngọt hóa nên lo lắng dịch bệnh "lấn sân" sang vùng lúa-tôm.


Có thể bạn quan tâm

Lấn, chiếm đất để làm hồ nuôi tôm tại các địa phương ven biển: Cần xử lý dứt điểm Lấn, chiếm đất để làm hồ nuôi tôm tại các địa phương ven biển: Cần xử lý dứt điểm

Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.

17/07/2015
Diện tích tôm công nghiệp giảm mạnh Diện tích tôm công nghiệp giảm mạnh

Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.

17/07/2015
Mùa chem chép Mùa chem chép

Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...

17/07/2015
Ngành Thuỷ sản nâng cao trách nhiệm xã hội Ngành Thuỷ sản nâng cao trách nhiệm xã hội

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.

17/07/2015
Làm giàu từ nghề nuôi gà và nuôi heo gia công Làm giàu từ nghề nuôi gà và nuôi heo gia công

Ở tuổi 48, ông Nguyễn Tiến Nam, ngụ ấp B2, xã Phước Minh (Dương Minh Châu - Tây Ninh) đã là một chủ trang trại nuôi gà và heo với lợi nhuận là 850 triệu đồng/năm. Điều đáng nể hơn là ông Nam đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

17/07/2015