Vụ Heo Bơm Nước Không Thể Quýt Làm, Cam Chịu

Thời gian qua, một vài cơ sở giết mổ heo không phép trục lợi bằng cách bơm nước vào heo để tăng trọng lượng đã gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu heo thịt Đồng Nai. Nếu không mạnh tay làm rõ vấn đề, người chăn nuôi, doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Thực tế, tình trạng heo bơm nước chỉ diễn ra tại một vài cơ sở hoạt động không phép với số lượng không đáng kể so với tổng đàn heo của Đồng Nai cung cấp cho thị trường. Nhưng vụ việc này đang làm xấu đi rất nhanh thương hiệu heo thịt Đồng Nai mà người chăn nuôi và các cơ sở giết mổ chân chính phải nhiều năm gây dựng.
* Người chăn nuôi bị hại
Bà Nguyễn Thị Gấm, chủ trang trại nuôi heo tại ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), lo lắng từ khi có thông tin heo bơm nước, giá heo hơi giảm từ 3 - 5 ngàn đồng/kg, hiện giá bán tại trại chỉ còn khoảng 45 - 47 ngàn đồng/kg.
“Người chăn nuôi hiện rất bức xúc vì nhiều thông tin nhận định chung chung, cho rằng heo Đồng Nai bơm nước bẩn, thịt heo bị nhiễm khuẩn… khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Trong khi thực tế, chỉ một số gian thương làm sai.
Chúng tôi cũng rất mong báo chí phải tìm hiểu kỹ, đưa thông tin chính xác chứ không nên đánh đồng, tuyên truyền gây ngộ nhận làm hại người chăn nuôi”- bà Gấm nói.Ông Trưng Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh tổng hợp Dầu Giây - đơn vị quản lý chợ Dầu Giây, điểm tập kết nguồn heo thịt tại huyện Thống Nhất đưa về TP. Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Chính quyền địa phương đã quy hoạch lại hoạt động giết mổ theo hướng tập trung với sự giám sát chặt chẽ của thú y.
Nguồn heo về chợ đều từ khu giết mổ tập trung trên nên việc bơm nước để tăng trọng lượng heo chỉ là trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ. Dự kiến đầu tháng 11 này, dự án nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap tại địa phương đi vào hoạt động sẽ chuẩn hóa theo quy trình chặt chẽ của Lifsap, đảm bảo thịt sạch từ khâu giết mổ đến tiêu thụ”.
Ông Đinh Thêm, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Rạng Đông (TP. Biên Hòa), chia sẻ sản phẩm thịt heo từ người chăn nuôi đến lò mổ thường phải qua nhiều khâu trung gian và đây là kẽ hở cho gian thương trục lợi. Tuy chỉ có một số đối tượng sai phạm nhưng lại gây tác hại rất lớn cho cả ngành chăn nuôi ở một địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng.
Doanh nghiệp làm ăn chân chính hiện đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các đối tượng làm ăn gian dối này. Ngoài ra, người chăn nuôi và cả người tiêu dùng cũng là người bị hại.
* Không để con sâu làm rầu nồi canh
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết: “Theo Nghị định 119 của Chính phủ các cơ sở bơm nước vào heo sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe, còn những biện pháp kèm theo chưa cụ thể nên không thể xử lý được. Vì vậy, chi cục mới có đề xuất Cục Thú y các trường hợp bơm nước vào heo nên cho tịch thu tất cả số heo vi phạm”.
Ngoài ra, ông Quang cũng nhấn mạnh, các cơ sở bơm nước vào heo đều hoạt động không phép nên các địa phương có thể dựa vào điểm này đóng cửa không cho hoạt động.Tại huyện Thống Nhất - thủ phủ chăn nuôi của Đồng Nai với rất nhiều trang trại và tiểu thương mua bán, giết mổ heo, nhiều người bức xúc vì chỉ một vài cơ sở gian lận với số lượng heo nhỏ nhưng làm ảnh hưởng lớn đến những hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ chân chính.
“Vừa qua, hiệp hội cũng nhận được ý kiến phản ánh của những hộ chăn nuôi, giết mổ vì tình trạng heo bơm nước ở một vài cơ sở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu heo Đồng Nai. Hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo dẹp tận gốc các cơ sở bơm nước vào heo để tránh tình trạng một con sâu làm rầu nồi canh” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, nói: “Heo Thống Nhất được đánh giá cao về chất lượng nên giá các thương lái mua của trang trại và bán tại các chợ đầu mối luôn cao hơn các tỉnh khác từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Vì thế, không thể để một vài cơ sở làm ăn bất chính ảnh hưởng chung đến ngành chăn nuôi của huyện và tỉnh. Nếu không sớm dẹp yên tình trạng này kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho những người chăn nuôi heo”.
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, từ đầu năm 2014 đến nay, chi cục đã phối hợp với các huyện, cảnh sát môi trường kiểm tra phát hiện và xử lý 6 vụ heo bơm nước. Trong đó, TP.Biên Hòa: 3 vụ, huyện Trảng Bom: 2 vụ và huyện Thống Nhất: 1 vụ. Các cơ sở bơm nước vào heo thịt trước khi đem đi tiêu thụ đều là cơ sở không được cấp phép kinh doanh. Việc dẹp các cơ sở heo bơm nước là thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Hiện nay, mỗi ngày ngành chăn nuôi Đồng Nai cung cấp cho thị trường khoảng 5 ngàn con heo thịt, trong đó trên 60% được đưa về tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mấy năm nay, thịt heo Đồng Nai luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và họ sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao hơn so với heo thịt các tỉnh, thành khác. Vì thế, không thể để tình trạng chỉ vì một vài cơ sở làm ăn bất chính mà gây phương hại cho cả ngành chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Theo anh cho biết, vụ rồi chỉ trồng được 4 công nhưng thu nhập gấp 4 lần so với trồng lúa nên năm nay gia đình tiếp tục chuyển thêm 3 công đất nữa để trồng năn bộp. Hiện tại, hàng ngày gia đình anh nhổ được gần 50 – 60 kg năn, với giá bán cho thương lái mua tại đồng là 6.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí thu nhập cũng được từ 300 – 400 ngàn đồng/ngày.

Thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh giai đoạn 2012 – 2015, đến nay diện tích bưởi Diễn toàn tỉnh đạt 741,7ha, bưởi Đoan Hùng đạt 1.015ha, sản lượng năm 2014 của các giống bưởi trên đạt gần 12 nghìn tấn, tổng giá trị thu nhập ước đạt trên 170 tỷ đồng. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thiết nghĩ, giữa lúc nhiều mô hình khuyến nông dù hiệu quả nhưng phải “tắt” ở khâu thí điểm vì thiếu kinh phí thì, cách làm của ông Khanh, ông Thân thật có sức hút và dễ lan tỏa bởi công việc cụ thể, hiệu quả thực tế. Thế nên không chỉ ông Thinh, ông Pha Răng mà còn rất nhiều nông dân trong tỉnh đã đổi đời nhờ cái cách “khuyến nông rất nông dân” ấy.

Khu vực Núi Cấm thuộc địa bàn 3 xã An Hảo, An Cư và Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) có diện tích phủ rừng khoảng 3.400 ha. Số diện tích này được giao khoán cho 3.638 hộ nhận chăm sóc và giữ rừng.

Một nông dân ở Tây Nguyên đã từng nhìn vài hecta Mắc ca của mình, nói: “4 năm nữa là tôi có thể đi máy bay ra thăm Hà Nội đấy”. Người nông dân này hoàn toàn có thể đi máy bay ra Hà Nội khi cây Mắc ca được trồng theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao… Tuy nhiên, hiện cây trồng này chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.