Vụ Đông Mang No Ấm Cho Người Na Hối

Những năm gần đây, sản phẩm rau an toàn của nông dân xã Na Hối (Bắc Hà - Lào Cai) đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưu chuộng. Chính vì vậy, vụ đông xuân 2013- 2014, chính quyền xã Na Hối có chủ trương mở rộng diện tích cây rau màu trên chân ruộng lúa một vụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Xanh màu no ấm
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của xã Na Hối, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân đang miệt mài làm đất, chuẩn bị xuống giống những lứa rau đầu tiên của vụ đông xuân 2013- 2014.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lĩnh ở thôn Na Hối Tày vừa thu hoạch xong diện tích lúa mùa đã bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, làm đất, lên luống, trồng tiếp 2 sào khoai tây và rau đậu (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Được biết, thu nhập của gia đình chị Lĩnh chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng ít ỏi, các con lại đang tuổi ăn học nên ngoài một vụ lúa, việc trồng cây rau màu vụ đông đã góp phần cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.
Ông Vũ Văn Hiếm, ở thôn Dì Thàng 2, tuy đã 79 tuổi nhưng vẫn trồng được hơn 1.500m2 rau màu vụ đông, chủ yếu là su hào và bắp cải. Ông Hiếm bảo, năm nay cụ mạnh dạn mở rộng diện tích bởi thời tiết ủng hộ, công việc cũng không quá vất vả lại cho thu nhập cao.
Trên cơ sở thành công của các vụ trước, vụ đông xuân 2013- 2014, lãnh đạo xã Na Hối mạnh dạn triển khai trồng 13ha khoai tây, tăng 3ha so với vụ đông xuân năm trước và 10ha rau màu các loại, chủ yếu là bắp cải, su hào. Diện tích trồng tập trung ở 7 thôn vùng thấp của xã là Na Hối Tày, Na Hối Nùng, Sín Chải A, Sín Chải B, Dì Thàng…
Hiện, bà con nông dân đã nhận đủ giống khoai tây, phân bón, đang tiến hành ủ và làm đất để trồng, sao cho đảm bảo đúng khung thời vụ. Ngoài ra, lãnh đạo xã còn vận động mỗi hộ dân xây dựng vườn rau riêng của gia đình để cải thiện đời sống.
Theo ông Phạm Văn Điều, Phó chủ tịch UBND xã Na Hối, để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất rau màu vụ đông xuân thuận lợi, xã chủ động phối hợp với Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định. Chính quyền xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông tăng cường bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lên luống, gieo trồng, chăm sóc rau màu.
Liên kết làm giàu
Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn giữa Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng và nông dân trên địa bàn xã Na Hối nói riêng, khu vực trung tâm huyện nói chung đã đi vào hoạt động ổn định. Điều quan trọng là đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo với giá cả ổn định, tạo niềm tin cho nông dân tích cực mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bà Vũ Thị Minh Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Di Thàng cho biết, hợp tác xã đang tích cực mở rộng quy mô hoạt động để đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho bà con, cung ứng rau sạch cho thị trường Lào Cai, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Hiện, hợp tác xã đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 chị em ở hai xã Na Hối, Tả Chải, thị trấn Bắc Hà và các xã lân cận.
Gia đình chị Lã Thị Liễu, xã Na Hối, là thành viên của Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng. Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Từ ngày tham gia hợp tác xã, vợ chồng chị có việc làm lúc nông nhàn, thu nhập cũng được cải thiện nên có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX rau an toàn Dì Thàng, ông Điều khẳng định: “Mặc dù Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng mới thành lập từ năm 2011 nhưng đã góp phần không nhỏ giúp xã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, giúp bà con nhận thức được lợi ích từ việc trồng rau theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Tin tưởng vào thành công, thắng lợi bước đầu của mô hình liên kết “4 nhà” trong phát triển sản xuất kinh doanh rau an toàn, chính quyền và nhân dân xã Na Hối đã mạnh dạn mở rộng diện tích rau màu trong vụ đông xuân 2013 - 2014, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nông dân, phấn đấu đưa Na Hối trở thành vùng chuyên canh rau an toàn ở Bắc Hà.
Có thể bạn quan tâm

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.

Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?