Vốn Ưu Đãi Cho Ngư Dân Bám Biển

Cùng với gói 3.000 tỷ mà Ngân hàng Đầu tư -Phát triển (BIDV) đã công bố cho ngư dân vay vốn ưu đãi, với lãi suất 3%/năm (có sự tài trợ của Nhà nước), các ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phó Giám đốc Viettinbank Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Hương, cho biết: “Ngân hàng đã chuẩn bị gói 3.000 tỷ đồng để cho nông dân, ngư dân vay vốn ưu đãi với lãi suất chỉ 7%/năm, thấp hơn cho vay thông thường từ 2,5 -3%/năm. Quảng Ngãi là một trong 3 khu vực được ưu tiên hưởng lợi từ gói tín dụng này của Viettinbank”.
Hiện Viettinbank cũng tổ chức quyên góp mỗi nhân viên một ngày lương để hỗ trợ cho ngư dân, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngân hàng đã quán triệt nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn, khi họ cần.
Đối với ngư dân vay đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, Viettinbank chỉ cần tài sản đảm bảo là con tàu cộng với tài sản bất động sản là có thể vay được vốn. Sau khi làm thủ tục, trong vòng 2 ngày ngân hàng sẽ giải ngân cho ngư dân.
Với cách làm này, các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút một lượng khách hàng lớn là ngư dân đến với mình. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng TMCP SeAbank chi nhánh Quảng Ngãi tăng trưởng ở lĩnh vực ngư nghiệp gần 20 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ ở lĩnh vực này lên 40 tỷ đồng, với 200 khách hàng vay. Hiện SeAbank cũng đã dành gói 1.000 tỷ đồng để cho vay phát triển hậu cần nghề cá.
Đặc biệt, ngân hàng đã mạnh dạn cho đối tượng vay là bạn thuyền. Trước đây, các ngân hàng đều hướng đến khách hàng là chủ tàu (bởi họ có tài sản thế chấp là con tàu), nhưng thực tế bạn tàu, các cơ sở hậu cần nghề cá cũng rất khát vốn. Đối tượng này, ngân hàng nới lỏng điều kiện vay thì họ sẽ đến với ngân hàng khá đông.
Trong khi đó, Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi cũng đã thực hiện ký kết với Liên đoàn lao động tỉnh cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận với nguồn vốn vay nhanh gọn, hiệu quả. Nhiều đoàn viên đã đóng mới, cải hoán, nâng cấp, sửa chữa tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ và phí tổn để ra khơi, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Sau hai năm, Vietcombank cho 320 ngư dân và 20 hộ kinh doanh hậu cần nghề cá vay với dư nợ đến tháng 5.2014 đạt 260 tỷ đồng.
Sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại hướng vào lĩnh vực ngư nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi trong tình hình Biển Đông đang “nóng” như hiện nay đã góp phần hạn chế việc vay nóng với lãi suất quá cao. Đồng thời, giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi xa bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 6 tháng đầu năm, mặc dù ngư trường có nhiều sóng gió, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển, đánh bắt đạt trên 70.000 tấn hải sản, là một trong 10 tỉnh có số lượng khai thác đạt và vượt chỉ tiêu cao.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi Trần Luyện đã đánh giá cao các ngân hàng thương mại đã linh hoạt, chủ động, có những chính sách phù hợp đến với ngư dân, mang nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp cho ngư dân vay, phát triển kinh tế biển tại địa phương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bởi, mỗi một con tàu xuất bến, góp thêm một lá cờ tung bay trên vùng biển Việt Nam là tăng thêm sức mạnh, ý chí, sự đoàn kết của ngư dân trên biển.
Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNN) về tiến độ xây dựng Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam bộ tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiết bị câu sản xuất trong tỉnh có giá thành thấp hơn nhiều so với thiết bị nhập khẩu của Nhật Bản. Sản xuất thiết bị câu cá ngừ đại dương là nội dung bổ sung của đề tài nghiên cứu “Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương bằng câu tay, kết hợp ánh sáng” do Chi cục thực hiện từ tháng 1/2013- 10/2014.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng mô hình sản xuất đa canh - đa con nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân từng bước vươn lên khá giàu.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 công ty là bị đơn bắt buộc lần này gồm có: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.

Thời gian gần đây, khu dân cư ở thôn Phong Lôi Đông (xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình) có nhiều ngôi nhà cao tầng mới mọc lên. Chủ của những dinh cơ này đều là những người nông dân chân lấm, tay bùn nhưng dám nghĩ dám làm, vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi lợn thịt thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.