Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Virus Cúm H5N6 Đe Dọa Đàn Gia Cầm

Virus Cúm H5N6 Đe Dọa Đàn Gia Cầm
Ngày đăng: 15/09/2014

Sau khi bất ngờ phát hiện virus cúm A/H5N6 nguy hiểm trên gia cầm lậu tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai và đàn chim hoang, mới đây Bộ NN-PTNT cho biết, dịch cúm H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Nam Trung bộ. Nỗi lo xâm nhập virus cúm A/H5N6 từ gà vịt lậu đang đe dọa đàn gia cầm nuôi trong nước vào những tháng cuối năm.

Virus tràn vào nội địa

Ngay sau khi phát hiện có virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm lậu ở Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT đã liên tục ra công điện gửi các địa phương để nhắc nhở về triển khai kế hoạch ngăn chặn sự xâm nhập của virus cúm gia cầm chủng mới H5N6 từ Trung Quốc, nhưng đến nay đã có tới 5 địa phương xuất hiện dịch cúm này.

Quảng Ngãi và Quảng Bình là 2 tỉnh vừa được phát hiện có dịch cúm gia cầm H5N6. Kết quả xác minh cho thấy, virus cúm H5N6 đã được phát hiện ngay trên đàn gia cầm giống mới được 14 - 18 ngày tuổi. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 1.100 con vịt giống bị nhiễm virus. Theo xác nhận của Cục Thú y, toàn bộ đàn vịt nhiễm cúm H5N6 tại Quảng Ngãi được mua tại chợ Đại Xuyên, Phú Xuyên (Hà Nội).

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, khi giải trình tự gen các mẫu virus tại 5 ổ dịch được phát hiện ở Việt Nam đều cho kết quả tương đồng đến 99% mẫu virus H5N6 gây chết người ở Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cho biết, kết quả xác minh tại một số ổ dịch cúm gia cầm H5N6 vừa qua cho thấy, dịch xảy ra có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.

Từ kết quả kiểm tra và phân tích mẫu cho thấy nguy cơ các chủng virus cúm mới tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới, nhất là phía Bắc rất cao.

Hiện đang là thời điểm người chăn nuôi vào đàn để chuẩn bị thực phẩm cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán, nên nhu cầu tiêu thụ gia cầm giống khá lớn. Đây cũng là thời điểm mà gia cầm lậu từ Trung Quốc bắt đầu tràn vào nước ta qua các ngả Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh.

Tại các cửa khẩu thuộc Quảng Ninh và Lạng Sơn, lực lượng chức năng vẫn liên tục bắt giữ gia cầm nhập lậu vào các chợ gia cầm lớn ở miền Bắc. Phần lớn, gia cầm lậu được chở vào miền Trung và miền Nam tiêu thụ, cung cấp cho người chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, năm 2014 số lượng gia cầm lậu bị bắt giữ, tiêu hủy tăng đột biến. Từ đầu năm đến nay Chi cục Thú y Lạng Sơn đã tổ chức 202 vụ tiêu hủy 16.477kg gà Trung Quốc thải loại, 685kg gà thương phẩm, 138.883 con gà giống, 162.537 con vịt giống... Ngoài ra còn một số lượng lớn ngỗng, chim bồ câu...

Trong tháng 7 và 8 vừa qua, số lượng gia cầm giống nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ giao cho các chi cục thú y tiêu hủy tăng đột biến. Tại Lạng Sơn, chỉ trong vòng hơn một tháng đã tiêu hủy hơn 110.000 con gia cầm giống. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xử lý 101 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu.

Do lợi nhuận quá cao nên vẫn còn nhiều đối tượng bất chấp, sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng. Điển hình như vụ việc tại thôn Thâm Loỏng, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Khi lực lượng chức năng ập vào, bắt quả tang ô tô mang BKS 98C-030.08 do Trần Văn Thưởng, trú tại Yên Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên điều khiển đang bốc xếp 1.500 con gà thải loại, một số đối tượng đã kích động người dân trong thôn chống đối, ném đá, cướp hàng, giữ ô tô...

Trong quá trình đưa tang vật và đối tượng ra khỏi địa bàn, tổ công tác đã bị bao vây, ném đá khiến một số người bị thương. Ngay sau đó, cũng tại khu vực này, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thu giữ gần 2.000 con gia cầm giống gồm vịt, gà, ngỗng con tại điểm tập kết giáp ranh giữa thôn Khuổi Mươi và Thâm Loỏng, nhưng đã bị nhiều đối tượng tổ chức cướp lại.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương biên giới phải kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm vào nội địa. Đồng thời thực hiện nghiêm công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm để bảo vệ chăn nuôi trong nước trong những tháng cuối năm, đảm bảo đủ thực phẩm không có dịch bệnh cho nhu cầu thị trường, không để tình trạng “lờn”, coi thường dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Người Mang Cây Cam Về Đất Đồng Thành (Nghệ An) Người Mang Cây Cam Về Đất Đồng Thành (Nghệ An)

Người dân xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) ai cũng nể phục nghị lực của ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1958). Từ hai bàn tay trắng, ông đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...

01/10/2014
Giải Pháp Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long Giải Pháp Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long

Đây là các bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa gây hại cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Triệu chứng gây hại biểu hiện trên cành và trái giống nhau, những đốm trắng xuất hiện trên cành, bẹ non, trái non và trái chín chuẩn bị thu hoạch.

01/10/2014
Cam “Nhái” Tràn Ngập Thị Trường Cam “Nhái” Tràn Ngập Thị Trường

Được biết, Cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Hơn nữa, cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển), cuối vụ giá lên đến 50.000 đồng/kg. Bởi vậy, cam Hà Giang trên thị trường không thể giá rẻ như vậy.

01/10/2014
Nuôi Cá Bông Mùa Lũ Nuôi Cá Bông Mùa Lũ

Bà Thương cho biết: "Tôi thả 7.000 cá bông giống. Cá rất dễ nuôi, mau lớn, ít bị hao hụt, giá cá thương phẩm luôn ổn định và cao hơn cá lóc. Để cá bông mau lớn thì ao phải rộng, đường thoát nước tốt, thức ăn đầy đủ. Tốt nhất là thức ăn tự nhiên từ nguồn cá linh, cá tạp hoặc cá biển".

01/10/2014
Sên Vét Ao Đầm Và Nỗi Lo Kiểm Soát Dịch Bệnh Sên Vét Ao Đầm Và Nỗi Lo Kiểm Soát Dịch Bệnh

Mỗi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bắt tay vào sên vét ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Thế nhưng, cứ đến mùa sên vét lại xảy ra bao nỗi lo về kiểm soát dịch bệnh, bởi lịch sên vét ao đầm vẫn chưa được thống nhất, quá nhiều bất cập, khiến vấn đề này cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra.

02/10/2014