Việt Nam Tạm Ngừng Làm Thủ Tục Xuất Khẩu 5 Loại Rau Gia Vị

Ngày 12.10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, đã có quyết định tạm ngừng làm thủ tục xuất khẩu đối với 5 loại rau gia vị của Việt Nam có nguy cơ bị Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu.
Trước đó, EU đã có thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật từ đầu năm 2014 đến nay đã phát hiện 3 lô hàng rau gia vị của nước ta nhiễm các loại côn trùng gây hại, đa số là nhiễm ruồi đục quả.
Cụ thể, có 5 mặt hàng rau gia vị gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai bị phát hiện nhiễm côn trùng.
Theo quy định, EU nếu phát hiện thêm 2 lô hàng thuộc 5 loại rau gia vị nêu trên của Việt Nam bị phát hiện nhiễm côn trùng thì sẽ cấm nhập khẩu 5 loại rau này vào EU.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, trong cả 3 lô hàng rau gia vị bị phát hiện có côn trùng từ đầu năm đến nay, thì cả 3 đều thuộc về một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Anh Nhân, địa chỉ 42/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.
Như vậy, EU chỉ cảnh báo đối với 5 mặt hàng rau gia vị này chứ không có chuyện sẽ cấm tất cả các mặt hàng rau quả của Việt Nam như một số báo chí đưa tin trong những ngày qua.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu rau gia vị vào EU. Thông thường, mỗi chuyến hàng xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp cũng chỉ xuất kèm theo 20-30kg rau gia vị. Tuy nhiên, để bảo vệ cho mục tiêu lâu dài nhằm giữ thị trường xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu phải tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu đối với 5 loại rau nói trên cho tới ngày 1.2.2015. Còn lại, tất cả các loại rau quả khác vẫn sẽ xuất khẩu sang EU bình thường.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, việc đưa thông tin như một số báo về tình hình tạm ngừng nhập khẩu của EU với mặt hàng rau quả là không chính xác. Phía EU chỉ cảnh báo đối với 5 loại rau gia vị, trong khi mặt hàng này xuất khẩu sang EU là rất nhỏ, còn các mặt hàng rau quả khác hiện các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2014 Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 961 triệu USD (8 tháng 2013 đạt 706 triệu USD).
Có thể bạn quan tâm

Được biết, giống bơ boot 7 ra hoa vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm và cho thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12. Ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Vỏ bơ dày nên thuận lợi cho vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, trồng bơ boot 7 tương đối nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc. Bình quân mỗi cây có thể cho từ 200-250 kg quả, với giá thị trường hiện tại là 55.000 đồng/kg.

Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.