Việt Lâm Đẩy Mạnh Trồng Rau An Toàn

Vụ đông năm nay, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên - Hà Giang) trồng gần 50ha rau, củ, quả các loại, trong đó có 2ha được trồng theo quy trình VietGAP. Việc trồng rau theo hướng VietGAP ngoài cung cấp cho người tiêu dùng rau sạch còn góp phần nâng cao thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Được biết, ở thị trấn Việt Lâm hiện có 14 tổ dân phố tham gia trồng rau vụ đông, trong đó có 4 tổ chuyên canh trồng rau gồm: 7, 8, 10 và 11. Ngoài ra, các tổ khác của thị trấn cũng tích cực đẩy mạnh trồng rau trên những diện tích đất ruộng 2 vụ lúa. Nhờ đó, 1/3 diện tích đất canh tác của thị trấn đã sản xuất 3 vụ/năm.
Đặc biệt, vụ đông năm nay, thị trấn Việt Lâm được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Hà Giang triển khai thí điểm sản xuất rau theo quy trình VietGAP trên diện tích 2ha, với 10 hộ dân tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% cây giống, 50% phân bón; tập huấn quy trình, kỹ thuật nhằm đảm bảo sản xuất rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Lê Thị Ánh Diện, ở tổ 7, một hộ dân tham gia trồng rau theo quy trình VietGAP, cho biết: “Tôi được chính quyền địa phương tuyên truyền sản xuất rau an toàn không những mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho người trồng và người sử dụng mà còn mở ra cách làm mới, hướng đi bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Gia đình tôi tham gia trồng 3.000m2 rau theo quy trình này. Khi trồng, chúng tôi được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Kết quả là rau nhìn đẹp hơn rau thường, bán chạy hơn, giá bán cao hơn so với trồng thông thường”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, nhiều hộ dân ở thị trấn Việt Lâm đã mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần ổn định đời sống người dân.
Bà Bùi Thị Nga, Phó chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm, cho biết, 2ha rau mà thị trấn trồng theo quy trình VietGAP hiện đã cho thu hoạch.Điều đáng mừng là, mặc dù đã hết chính sách hỗ trợ nhưng bà con vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, điều mà người dân nơi đây lo lắng là rau trồng theo quy trình VietGAP so với các loại rau bán ngoài chợ không có sự khác biệt lớn, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không sạch. Người dân mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm… để người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ và ủng hộ người trồng rau theo quy trình VietGAP.
Có thể bạn quan tâm

Cùng với hệ thống sông, suối do thiên nhiên ban tặng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có rất nhiều ao, hồ, đập, nhất là hồ chứa của hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi chính là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đối với khai thác, sau thời gian biển động, thời tiết trên các vùng biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, hải sản xuất hiện nhiều ngay từ đầu mùa vụ mới nên ngư dân các địa phương đã đồng loạt ra khơi.

Như vậy, để được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các vùng nuôi cá da trơn của Việt Nam phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn giống như các vùng nuôi cá hiện nay ở Mỹ đang áp dụng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều chủng virus cúm gia cầm đang bùng phát, gây bệnh trên gia cầm và lây lan sang người, đang có nguy cơ lây lan, đe dọa tới ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân trong nước.

Ngày 10/2, Công ty cổ phần tinh bột sắn FOCOCEV (Sông Hinh - Phú Yên) bước vào vụ sản xuất năm 2014. Trong niên vụ này, công ty phấn đấu thu mua 262.500 tấn sắn nguyên liệu, sản xuất 75.000 tấn tinh bột.