Vicofa Lại Muốn Tạm Trữ 200.000 Tấn Cà Phê

Khác với những năm trước, đầu vụ cà phê 2014 - 2015 giá cà phê nội địa và quốc tế có xu hướng tăng. Thế nhưng Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, Vicofa vẫn sẽ kiến nghị Chính phủ tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong niên vụ này để hỗ trợ giá cho nông dân.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết mỗi vụ cà phê chỉ thu hoạch trong khoảng 2 tháng nhưng lại tiêu dùng cho cả năm.
Người nông dân thường có xu hướng bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để chi trả tiền phân bón, và chi tiêu trong gia đình; một khi nông dân bán ra nhiều giá sẽ giảm; do đó cần tạm trữ để giúp giá cà phê không xuống quá thấp.
Đây không phải là lần đầu Vicofa đưa ra đề nghị tạm trữ vào mỗi đầu vụ cà phê. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, kiến nghị này không được chấp nhận.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT), trong 9 tháng của năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,35 triệu tấn cà phê với tổng trị giá 2,81 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 32% về khối lượng và gần 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 2.068 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 3,6% so với năm 2013. Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), hiện Việt Nam chiếm 15% sản lượng cà phê của toàn thế giới, xuất khẩu chiếm 17% thị phần của thế giới. Nếu chỉ tính riêng mặt hàng cà phê robusta, Việt Nam chiếm 40% thị phần.
Giá cà phê ngày 14-10 tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 41.000 - 41.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với ngày trước.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 27-5, ông Liêu Phương, thương lái thu mua lúa gạo vùng Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang cho biết: “Giá lúa bình quân giảm 300 - 400 đồng/kg. Hiện lúa IR50404 vụ đông - xuân chỉ còn 5.000 - 5.100 đồng/kg (lúa khô), lúa IR50404 mới (vụ xuân - hè) 4.700 - 4.800 đồng/kg. Lúa hạt dài dẻo 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa dài thường giá 5.200 - 5.300 đồng/kg…”.

Mô hình trồng ca cao dưới tán cây điều và sầu riêng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) mà còn là giải pháp để giữ ổn định diện tích điều và sầu riêng.

Mấy ngày gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc đã vào vùng trồng khóm (dứa) của tỉnh Tiền Giang để thu mua khóm với giá cao. Chính vì vậy, nhiều cơ sở thu mua khóm trong nước gặp khó khăn trong việc tìm nguồn khóm nguyên liệu để thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Chóng vánh lấy đất nông nghiệp, chóng vánh san nền, rồi cũng chóng vánh bỏ hoang. Câu chuyện thu hút đầu tư, phát triển các KCN của nhiều địa phương được gọi với cái tên chua chát là “tâm lý bầy đàn”.

Đến trang trại của gia đình anh Nguyễn Duy Châu ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) sau khi vượt qua một chặng đường lầy lội của vùng kinh tế mới, chúng tôi mới thấy hết sự nỗ lực để có thành công với mô hình trang trại tổng hợp của anh.