Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì Sao Phải Ứng Dụng Tiêu Chuẩn Sản Xuất An Toàn Thực Phẩm Trên Cây Trái?

Vì Sao Phải Ứng Dụng Tiêu Chuẩn Sản Xuất An Toàn Thực Phẩm Trên Cây Trái?
Ngày đăng: 07/07/2013

Đó là chủ đề chính trong hội thảo khoa học vừa được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Chợ Lách và Ban Quản lý Dự án DBRP phối hợp tổ chức tại Chợ Lách (Bến Tre). Nhiều nhà khoa học đến từ các viện, trường và hàng trăm nông dân trong, ngoài tỉnh đã đến dự.

Hội thảo xoay quanh việc ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm (GlobalGAP, VietGAP) trên một số loại cây trái chủ lực như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Th.s Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chợ Lách nêu vấn đề về sự cần thiết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP trong thời gian tới. Theo ông Liêm, Nam Bộ là vùng trọng điểm cây trái của cả nước, với tổng diện tích 415.800ha, sản lượng 4,3 triệu tấn; trong đó đồng bằng sông Cửu Long chiếm diện tích 288ha. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên rau, quả, lúa, cà phê do Bộ NN&PTNT ban hành còn có GlobalGAP, 4C, UTZ.

Phía Nam có tổng diện tích được chứng nhận GAP khoảng 110 ngàn héc-ta, trong đó có 100 ngàn héc-ta cà phê được chứng nhận UTZ, 4C; 453ha ca cao chứng nhận UTZ, 400ha lúa được chứng nhận GlobalGAP, 7.000ha thanh long Bình Thuận được chứng nhận VietGAP. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có 300ha mô hình cây ăn trái khác được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tính đến nay, cây ăn trái nước ta được chứng nhận GAP chưa nhiều, chỉ khoảng 0,14% diện tích chứng nhận.

Thanh long Bình Thuận đã có hơn 7.000ha được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 500ha được các công ty ở Mỹ sang kiểm tra và hợp đồng thu mua. Bưởi da xanh Bến Tre có khoảng 38ha sản xuất theo VietGAP, sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu. Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) chỉ có 11ha sản xuất theo VietGAP, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (Đồng Tháp) chỉ có 21ha sản xuất theo VietGAP. Các mô hình sản xuất cây trái được chứng nhận khác như: chôm chôm Java Tiền Giang, Bến Tre, nhãn tiêu da bò Bến Tre.

Theo ông Liêm, các mô hình thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Một số mô hình chưa đạt được như mong muốn và nhiều nông dân quay lưng lại với GAP, do có sự nhầm lẫn là tiêu chuẩn GAP mang lại giá trị gia tăng thêm cho sản phẩm. Thật ra, tại nhiều nước, nếu không sản xuất theo GAP thì sẽ không bán được sản phẩm. Theo TS. Nguyễn Hồng Thủy - Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, mục tiêu của GlobalGAP là an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn cho người lao động, truy vết sản phẩm.

Cho nên, sắp tới, tất cả nhà vườn phải sản xuất theo GAP; nếu không, thì hàng hóa làm ra sẽ không thể tiêu thụ được. Có nhiều giải pháp để áp dụng GAP thành công như: tổ chức tập huấn, hội thảo, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất (gồm nhà vệ sinh tự hoại, kho phân bón - thuốc bảo vệ thực vật, điểm pha thuốc bảo vệ thực vật), kỹ thuật canh tác (vệ sinh chuồng trại, rác thải, chất thải chăn nuôi, ghi chép và lưu trữ hồ sơ).

Theo TS. Võ Hữu Thoại - Viện Cây ăn quả miền Nam, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt là đặc sản của Bến Tre. Hiện toàn tỉnh có 4.144ha bưởi da xanh, 1.848ha sầu riêng, trên 2.000ha măng cụt. Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo GAP chưa nhiều, cần tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình hiện có. Do vậy, sản xuất theo GAP là việc chọn lựa hàng đầu đối với nhà vườn. Sự liên kết giữa các vùng sản xuất hiện đang có điều kiện khá tốt để có vùng sản xuất tương đối tập trung. Đồng thời, Bến Tre cũng đang có mạng lưới thu mua khá mạnh.

Theo ông Đàm Văn Hưng - Chủ cơ sở Hương Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh Bến Tre, từ khi có nhà máy xử lý, đóng gói, bảo quản bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo GAP đến nay, thị trường mở rộng nhanh, nhất là cuối năm 2011, đã xuất sang nhiều nước như: Canada, Hồng Kông, Trung Quốc…


Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ bùng phát bệnh trắng lá mía Nguy cơ bùng phát bệnh trắng lá mía

Vừa bước vào niên vụ mía 2015 - 2016, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có 150ha mía bị bệnh trắng lá. Người trồng mía đang lo ngại nếu trời mưa xuống khả năng bệnh trắng lá mía sẽ bùng phát trở lại.

31/07/2015
Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất đậu phụng ở Cát Tài (Bình Định) Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất đậu phụng ở Cát Tài (Bình Định)

Vụ Hè Thu 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định và Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát, nông dân xã Cát Tài (Phù Cát) tiếp tục thực hiện mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phụng với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm, diện tích 30 ha, bằng giống đậu L14; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng (ở tỉnh Đắk Nông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

31/07/2015
Cánh đồng lớn từng bước nâng cao thương hiệu gạo Việt Cánh đồng lớn từng bước nâng cao thương hiệu gạo Việt

Đối chứng giữa nông dân thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” và nông dân sản xuất theo tập quán thông thường, tính trung bình qua 3 vụ sản xuất, nông dân tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” giảm 11,2% chi phí phân bón; giảm gần 10% chi phí canh tác (làm đất, bơm nước, giặm lúa, thu hoạch) và giảm 5,9% tổng chi phí nên tổng thu nhập tăng 8,2%, lợi nhuận tăng 35,2%.

31/07/2015
Ða canh trên đất cà chua Ða canh trên đất cà chua

Nhà nông Trịnh Văn Tùng (thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương, Lâm Đồng) chọn biện pháp sản xuất đa canh nhiều loại rau khác trên đất trồng cây cà chua truyền thống, tạo ra chuỗi giá trị nông phẩm thông thương đầu vào - đầu ra...

31/07/2015
Trồng chè theo quy trình sạch hướng đi bền vững Trồng chè theo quy trình sạch hướng đi bền vững

Những lô hàng chè xuất khẩu kém chất lượng bị trả lại thời gian qua ở một số địa phương trong cả nước đã khiến giá chè bị sụt giảm mạnh, từ 4.700 đồng/kg xuống còn 3.600 đồng/kg (tháng 6). Người trồng chè Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, hạn hán đang đe dọa tới năng suất.

31/07/2015