Vì Sao Giá Thanh Long Đầu Vụ Hạ Thê Thảm?

Nguyên nhân chính được xác định là do thương lái ép giá, dựng nên câu chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế.
Những ngày qua, thanh long từ các nhà vườn bán ra giá chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Mức giá này khiến người trồng thanh long ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An điêu đứng.
Tại huyện Châu Thành, Long An, nơi có hơn 1.000 ha thanh long, người trồng đang kêu trời vì thương lái không đến thu mua. Theo nhiều chủ vườn, các thương lái chỉ chịu mua với giá 9.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ loại 1, tức bằng một phần ba thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Ông Bảy Trọng ở xã Long Trì, Châu Thành có 2 ha thanh long ruột đỏ đang đau đầu trong việc tìm thương lái: “Nhà tui chín đỏ vườn mà giá bán rẻ quá. Giá thấp như vậy lái nó cũng không thèm mua nữa, không biết xoay cách nào”, ông Bảy Trọng than.
Để giải quyết bớt lượng thanh long đang treo đỏ vườn, nhiều nông dân chọn cách mang ra vệ đường bán cho khách. Chị Mai Ân là một trong số đó. “Mang ra đường bán như thế này, mệt một chút nhưng giá đỡ hơn được 1.000 đến 2.000 đồng/kg, mong thu hồi lại được ít vốn chuẩn bị vụ sau”.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, nông dân Nguyễn Xuân Hải, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, giá thanh long ruột đỏ xuất khẩu dao động ở mức 8.000 đến 10.000 đồng/kg, thấp hơn đến 20.000 đồng so với giá cách đây 1 tháng. Và cũng như ở Long An, thương lái ép giá và không mua nếu nông dân kì kèo, thắc mắc.
Nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh được các thương lái ở địa phương này đưa ra là do cửa khẩu ùn ứ, Trung Quốc không cho nhập khẩu nên họ không dám thu mua, hoặc nếu mua thì chỉ mua lượng ít với giá thấp, đề phòng không bán được.
Thế nhưng, theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, tình hình thông thương ở cửa khẩu Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có thanh long của Việt Nam. Nhiều container thanh long của các công ty lớn tại Bình Thuận qua thị trường này đã trở về và đang lấy hàng đi tiếp. “Chắn chắn là không có chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu hay ngừng mua thanh long”, ông Hưng khẳng định với Zing.vn.
Cũng theo ông Hưng, một số thương lái đang dựng lại câu chuyện ùn ứ dưa hấu đầu năm ở cửa khẩu để ép giá thanh long với nông dân. Một số khác thì không dám thu mua, hoặc mua rất ít với giá thấp, chính những điều này khiến thị trường thanh long rối loạn.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty thanh long Hoàng Hậu, Bình Thuận, đơn vị có đến 60% lượng hàng thanh long xuất sang Trung Quốc, cũng cho biết các đơn hàng vẫn được tiến hành bình thường trong thời điểm này, xe lưu thông qua cửa khẩu vẫn đều đặn.
Cũng theo ông Hiệp, hiện nay do nhiều loại trái cây vào chính vụ nên thị trường dội hàng, thanh long không còn là loại trái cây được ưu tiên nữa. Hơn nữa loại trái cây này đang vào chính vụ, giá đương nhiên giảm hơn mùa chong điện.
Có thể bạn quan tâm

Hai ngành hàng cá tra và tôm ở ĐBSCL vẫn trong cơn khủng hoảng nợ kéo dài mấy năm nay, với "khối u" lớn nhất chưa xử lý được: DN chế biến chiếm dụng vốn của người nuôi và nợ xấu vốn vay ngân hàng.

Chiều 24.7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phối hợp với UBND tỉnh và Ngân hàng BIDV tổ chức Hội nghị “Triển khai chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ” về một số chính sách phát triển thủy sản.

Mùa sau nên trồng gì để “được mùa - tốt giá”, làm cách nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ chuẩn xuất khẩu, thương lái và các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua giá cao, không phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc? Những câu hỏi thường trực đó rất nhiều nông dân phải xoay xở giải đáp khi chuẩn bị bắt tay vào vụ mùa kế tiếp ngay khi tình hình xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay còn gặp nhiều khó khăn…

Đầu tư hơn 50 triệu đồng chi phí giống và vật tư ban đầu, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, sản lượng cao. Bà Nguyệt ước tính dự kiến vụ này sẽ thu về gần một tấn quả, lợi nhuận từ loại cây trồng kinh tế này mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể.

Hiện một ký cá, tôm phải chịu gần 10 loại phí khác nhau trước khi lên tàu xuất khẩu đi các thị trường - đó là ý kiến phản ánh của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong công văn gửi Bộ Công thương.