Vì Sao Giá Thanh Long Đầu Vụ Hạ Thê Thảm?

Nguyên nhân chính được xác định là do thương lái ép giá, dựng nên câu chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế.
Những ngày qua, thanh long từ các nhà vườn bán ra giá chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Mức giá này khiến người trồng thanh long ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An điêu đứng.
Tại huyện Châu Thành, Long An, nơi có hơn 1.000 ha thanh long, người trồng đang kêu trời vì thương lái không đến thu mua. Theo nhiều chủ vườn, các thương lái chỉ chịu mua với giá 9.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ loại 1, tức bằng một phần ba thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Ông Bảy Trọng ở xã Long Trì, Châu Thành có 2 ha thanh long ruột đỏ đang đau đầu trong việc tìm thương lái: “Nhà tui chín đỏ vườn mà giá bán rẻ quá. Giá thấp như vậy lái nó cũng không thèm mua nữa, không biết xoay cách nào”, ông Bảy Trọng than.
Để giải quyết bớt lượng thanh long đang treo đỏ vườn, nhiều nông dân chọn cách mang ra vệ đường bán cho khách. Chị Mai Ân là một trong số đó. “Mang ra đường bán như thế này, mệt một chút nhưng giá đỡ hơn được 1.000 đến 2.000 đồng/kg, mong thu hồi lại được ít vốn chuẩn bị vụ sau”.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, nông dân Nguyễn Xuân Hải, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, giá thanh long ruột đỏ xuất khẩu dao động ở mức 8.000 đến 10.000 đồng/kg, thấp hơn đến 20.000 đồng so với giá cách đây 1 tháng. Và cũng như ở Long An, thương lái ép giá và không mua nếu nông dân kì kèo, thắc mắc.
Nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh được các thương lái ở địa phương này đưa ra là do cửa khẩu ùn ứ, Trung Quốc không cho nhập khẩu nên họ không dám thu mua, hoặc nếu mua thì chỉ mua lượng ít với giá thấp, đề phòng không bán được.
Thế nhưng, theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, tình hình thông thương ở cửa khẩu Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có thanh long của Việt Nam. Nhiều container thanh long của các công ty lớn tại Bình Thuận qua thị trường này đã trở về và đang lấy hàng đi tiếp. “Chắn chắn là không có chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu hay ngừng mua thanh long”, ông Hưng khẳng định với Zing.vn.
Cũng theo ông Hưng, một số thương lái đang dựng lại câu chuyện ùn ứ dưa hấu đầu năm ở cửa khẩu để ép giá thanh long với nông dân. Một số khác thì không dám thu mua, hoặc mua rất ít với giá thấp, chính những điều này khiến thị trường thanh long rối loạn.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty thanh long Hoàng Hậu, Bình Thuận, đơn vị có đến 60% lượng hàng thanh long xuất sang Trung Quốc, cũng cho biết các đơn hàng vẫn được tiến hành bình thường trong thời điểm này, xe lưu thông qua cửa khẩu vẫn đều đặn.
Cũng theo ông Hiệp, hiện nay do nhiều loại trái cây vào chính vụ nên thị trường dội hàng, thanh long không còn là loại trái cây được ưu tiên nữa. Hơn nữa loại trái cây này đang vào chính vụ, giá đương nhiên giảm hơn mùa chong điện.
Có thể bạn quan tâm

Đầu mùa mưa cũng là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh Đak Lak bắt tay vào việc trồng mới các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay bơ được xem là cây trồng thu hút sự quan tâm hơn cả, khiến thị trường bơ giống cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề làm cho người dân luôn lo ngại là chất lượng cây giống trên thị trường rất khó nhận biết để chọn mua.

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2012 bắt đầu gần 2 tháng nhưng diện tích xuống giống chỉ đạt hơn phân nửa so với chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân gây cản trở tiến độ xuống giống là do thời tiết bất ổn.

Nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu đầu tư hạ tầng bài bản và người dân vẫn còn sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ.

Việt Nam là nước nông nghiệp, sản lượng lúa đạt từ 42 - 43 triệu tấn/năm nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 9 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Hiện một số doanh nghiệp (DN) đã sử dụng thóc gạo thay thế ngô và lúa mỳ nhập khẩu trong sản xuất TĂCN, nhưng giá thành lại cao hơn. Nghịch lý này đòi hỏi phải sớm được tháo gỡ.

Vụ xuân năm 2013, huyện Sơn Dương cấy được 5.328 ha lúa, trong đó có 3.274 ha lúa lai và 2.054 ha lúa thuần. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân và bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa.