Vị ngọt trái cây đầu mùa

Ghi nhận tại các chợ, đa phần trái cây bắt đầu “đổ” về với số lượng lớn từ khoảng một tuần nay. Mỗi quầy bán trái cây đã có hàng chục loại, trong đó nhiều nhất là xoài, dâu, sầu riêng, mãng cầu xiêm... Lượng tiêu thụ khá cao, không chỉ có tiểu thương mà cả nhà vườn đều hồ hởi. Do đang là đầu mùa, nguồn cung còn yếu cho nên giá cả của các loại trái cây còn khá cao.
Theo các tiểu thương, người dân tiêu thụ mạnh là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này để “giải nhiệt” tăng cao. Chôm chôm được bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn bình thường khá nhiều; thanh long ruột đỏ cũng bán với giá trên 20.000 đồng/kg; giá sầu riêng vào vụ bán ra tại các chợ hay sạp trái cây đã giảm gần 40%. Chủ vựa trái cây Đức Hiền, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Vào lúc này, sầu riêng đang cao điểm. Sầu riêng giống Ri6, vựa thu vào giá 28.000 đồng/kg.
Còn tại vườn thương lái đến mua rẻ hơn, khoảng 22.000-24.000 đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng cơm vàng hạt lép, sầu riêng khổ qua hiện còn 15.000-17.000 đồng/kg”. Khi về các đầu mối tiêu thụ, giá các loại trái cây đã được đẩy lên gấp đôi, mức chênh lệch khá cao so với mua tại vườn.
Cũng theo nhiều nông dân, năm nay nắng nóng kéo dài nên một số loại trái cây như nhãn, măng cụt vào mùa chậm hơn nhưng bù lại các loại trái cây như dâu, sầu riêng bán được giá cao so với cùng kỳ các năm trước. Đang thu hoạch sầu riêng, ông Lê Minh Tiến, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mấy năm nay giá sầu riêng ổn định chứ không sụt. Nhà tôi trồng sầu riêng khổ qua, bị ảnh hưởng thời tiết thất thường ngay thời điểm trổ bông mà không phát hiện, vì vậy thu hoạch trái không đẹp. Tuy nhiên, giá cả như hiện tại vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. So với năm ngoái thì giá vẫn còn cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Nhà vườn có lời trên 100 triệu đồng/ha”.
Ông Nguyễn Văn Gừng, ngụ cùng xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Người sản xuất chủ động được mùa vụ rõ ràng có lợi thế nhiều hơn vì họ đón đầu được giá thị trường và cân bằng được giá thành sản xuất. Điều đó chứng tỏ rằng khi nhà nông bỏ công chăm sóc, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, chất lượng đồng đều, tạo dựng được thương hiệu thì sẽ ít lo đến bài toán được mùa rớt giá”.
Cũng tại huyện Châu Thành A, nhiều nhà vườn trồng dâu đang tất bât vào vụ thu hoạch. Ông Trần Văn Đô, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Dâu xanh bán tại vườn có giá khoảng 7.000-9.000 đồng/kg. Giá này vẫn ở mức trung bình nhưng tôi rất mừng vì so với năm trước đã cao gần gấp đôi. Dù năng suất không đạt nhưng đổi lại giá cả tốt nên bà con vẫn còn lời nhiều. Mấy năm qua dâu rộ mùa, nhà vườn kêu thương lái đến năn nỉ bán 2.000 đồng/kg mà họ còn làm khó”.
Ước tính của ông Đô, vụ dâu này có thể cho lãi 6-7 triệu đồng/công. Nếu giá giữ ổn định trong khoảng nửa tháng tới thì nhiều nhà vườn trồng dâu khác sẽ khấm khá hơn. Tuy nhiên, dù trúng giá nhưng ông Đô vẫn không vui, khi trái dâu vẫn còn nằm trong “vòng nguy hiểm” như bao loại trái cây khác thường gặp là được mùa rớt giá.
Nỗi lo lớn nhất của người nông dân này vẫn là vấn đề giá bán vì thị trường năm nay khó “dò” hơn mọi năm. “Vườn dâu của tôi chỉ mới bước vào đầu vụ giá còn cao. Vài hôm nữa vào vụ thu hoạch nếu giá giảm như năm trước thì tiền lời chẳng còn bao nhiêu. Hy vọng năm nay giá cả trái cây ổn định, dễ mua bán hơn năm ngoái”, ông Đô nói. Đây là kinh nghiệm mà rất nhiều nông dân đã trải qua mỗi khi vào chính vụ. Nhiều người vẫn không khỏi lo lắng năm nay trái cây có tiếp tục rớt giá hay không?
Có thể bạn quan tâm

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản (Trường đại học Cần Thơ), vừa có buổi trao đổi kinh nghiệm với nông dân về điều trị bệnh gan thận mủ ở cá tra. Theo TS. Oanh, ngoài các loại thuốc đặc trị, thị trường đã có vaccine ALPHA JECT Panga 1, chuyên phòng bệnh cho cá tra. Vaccine được nhập khẩu từ Na Uy, qua khảo nghiệm giúp cá chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trong suốt quá trình nuôi.

Ốc len hay còn gọi là linh hoa (tên khoa học Cerithidea obtusa) sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nuôi ốc len cho thu nhập không cao bằng một số loài thủy sản khác như tôm sú, cua biển, sò huyết... nhưng có ưu thế là phù hợp điều kiện của hộ nghèo, nhất là hộ đang nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.

Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản trên ruộng lúa được hơn 1.303ha, đạt gần 35% kế hoạch. Trong đó, cá - ruộng 1.299ha, tôm càng xanh - ruộng 4,4ha, tập trung ở các huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.