Vì Một Nền Chăn Nuôi Sạch

Mục tiêu của Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm Lâm Đồng (Dự án LIFSAP Lâm Đồng) thuộc Sở NN-PTNT là “Nâng cao hiệu quả của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình; giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia súc - gia cầm và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi…”.
Để đạt được mục tiêu này, Dự án LIFSAP Lâm Đồng trước hết phải đầu tư cho người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng “sạch” bằng việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP) để có thực phẩm an toàn.
Với nguồn vốn đầu tư khoảng 95,4 tỷ đồng (quy tròn) do Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, LIFSAP Lâm Đồng có nhiệm vụ hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dự án tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh qua việc áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn; giảm tỷ lệ vật nuôi bị bệnh chết 30%, rút ngắn thời gian nuôi 15%, tăng số đầu vật nuôi 15% so với trước khi được hỗ trợ từ dự án.
Được triển khai tại 10/12 huyện, thành (trừ Đạ Huoai và Lạc Dương) của tỉnh nhưng vùng đầu tư trọng tâm của LIFSAP Lâm Đồng là các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm. Sau 3 năm triển khai và 58% vốn đã được giải ngân, tới nay, Dự án LIFSAP Lâm Đồng đã thành lập được 40 nhóm chăn nuôi theo quy trình GAHP với 800 hộ chăn nuôi tham gia tại địa bàn của 10 xã/4 huyện.
Qua các nhóm này, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 128 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi “sạch” cho trên 3.131 lượt nông dân; tổ chức 5 hội nghị tổng kết về hoạt động GAHP với 231 lượt người tham gia; hỗ trợ vật tư và thiết bị chăn nuôi (như máng ăn, máng uống, đèn sưởi hồng ngoại, bình phun thuốc khử trùng chạy bằng điện, bảo hộ lao động…) cho 800 hộ (riêng năm 2013 đã hỗ trợ 570 hộ), hỗ trợ và nghiệm thu xây dựng 40 mô hình chuồng trại chăn nuôi mẫu và nhân rộng mô hình mẫu này tới tất cả các hộ đang tham gia dự án; hỗ trợ các nhóm các loại hàng hóa và dụng cụ phục vụ chung.
Từ những hỗ trợ thiết thực này, năm 2013 đã có 162/800 hộ nhận đầu tư được các cấp có thẩm quyền của tỉnh cấp giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi - đạt tỷ lệ 75% so với số hộ được đánh giá (162/240 hộ), thẩm định.
Đây là những hộ đã áp dụng thành công quy trình GAHP và đạt được các tiêu chí của nền chăn nuôi “sạch” và bền vững. Địa phương trong vùng dự án có tỷ lệ hộ chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP nhiều nhất hiện nay là xã Đông Thanh (47,5%) và xã Lộc An (36,6%), và các xã có tỷ lệ đạt thấp nhất là Mê Linh, Đinh Lạc, Lộc Thành (đều 0%).
Ông Phạm Ngọc Thiệp - Giám đốc LIFSAP Lâm Đồng cho rằng, tới nay 100% số hộ tham gia dự án đã hiểu được nội dung, ý nghĩa… chăn nuôi “sạch” - nhất là nhận thức và khả năng chăn nuôi an toàn sinh học. Tất cả các nhóm GAHP đều đã sinh hoạt có nề nếp, triển khai có kết quả các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình, một số nhóm đã hướng tới việc liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Về hiệu quả kinh tế: 100% số hộ đang duy trì, phát triển và có xu hướng tăng đàn mặc dù lĩnh vực chăn nuôi heo của địa phương đang phải thách thức với nhiều khó khăn; đàn vật nuôi của các hộ này hiện tăng khoảng 11% so với trước khi tham gia dự án, quy mô đàn tăng từ 29,2 con/hộ/lứa lên 31,3 con/hộ/lứa với tổng đàn gần 26.000 con heo, tỷ lệ lợi nhuận đạt 123,05%; hiệu quả chăn nuôi nông hộ tăng từ 7% (thời điểm tháng 7/2012) lên 23% (thời điểm 1/2014) và đang có xu hướng tăng nhanh.
Thống kê của LIFSAP Lâm Đồng, với mức tiêu thụ bình quân của cả nước là 48,3kg heo hơi/người/năm thì hiện tại mỗi năm các hộ chăn nuôi tham gia dự án đã cung cấp sản phẩm chăn nuôi “sạch và an toàn” cho 8.535 người.
Song song với việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ, các nhóm chăn nuôi GAHP; để có nền chăn nuôi sạch và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, Dự án LIFSAP Lâm Đồng còn đầu tư cho các địa phương trong vùng dự án các chợ buôn bán sản phẩm chăn nuôi tiêu chuẩn, hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng các hầm ủ khí sinh học bioga…
Mở rộng vùng dự án, vùng chăn nuôi heo theo hướng “sạch” và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - kinh doanh thực phẩm đang là hướng phấn đấu liên tục của ngành nông nghiệp tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Là huyện có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất vụ đông, những năm qua Vũ Thư (Thái Bình) luôn chú trọng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Vụ đông năm 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 7.250 ha, tập trung phát triển những cây chủ lực như đậu tương, khoai tây, ngô...

Hiện nay, người dân vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang hết sức phấn khởi. Cảnh mua bán tấp nập làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp. Bà con chia sẻ năm nay thanh long được mùa được giá nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với mọi năm.

Sau hơn 1 năm triển khai công tác dập dịch “chổi rồng” trên cây nhãn, ngành nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể trong tỉnh hỗ trợ kinh phí, thuốc điều trị, hướng dẫn nhà vườn cắt tỉa cành, phun xịt trên 8.005ha vườn nhãn bị bệnh (chiếm 91% diện tích nhiễm bệnh)… nhằm khôi phục lại vườn nhãn bị bệnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, sau công tác dập dịch, tỷ lệ nhiễm bệnh “chổi rồng” giảm đáng kể với tỷ lệ nhiễm nhẹ phổ biến ở mức 15 - 30%. Công tác tập huấn, tuyên truyền vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm giúp nhà vườn đầu tư chăm sóc, xử lý giai đoạn ra hoa, cho trái,... Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ tái nhiễm ở những vườn không tích cực phòng trị theo quy trình đã được hướng dẫn.

Sau khi giới thiệu tới độc giả về đặc điểm và cách lựa chọn giống cá Nàng Hai sao cho hiệu quả trong quá trình nuôi, kỳ này, chúng tôi gửi tới độc giả về cách chuẩn bị ao nuôi để nuôi cá Nàng Hai thuận lợi.

Vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ - chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chinh phục thành công vùng cát trắng ven biển làm trang trại, tạo nên lối mở thoát nghèo, làm giàu cho nhiều người tại địa phương.