Chủ Động Nguồn Giống Đậu Tương Cho Vụ Đông

Là huyện có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất vụ đông, những năm qua Vũ Thư (Thái Bình) luôn chú trọng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Vụ đông năm 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 7.250 ha, tập trung phát triển những cây chủ lực như đậu tương, khoai tây, ngô...
Trong đó, phấn đấu trồng 1.700 ha cây đậu tương. Để bảo đảm kế hoạch, Vũ Thư đã chủ động nguồn giống đậu tương cho vụ đông đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân.
Chúng tôi về xã Việt Hùng - một trong những địa chỉ sản xuất giống đậu tương vụ đông lớn của huyện, đúng thời điểm bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương thu hoạch đậu tương vụ hè thu để làm giống cho vụ đông. Đối với loại cây này, hàng năm nông dân Việt Hùng gieo trồng 2 vụ (vụ hè thu và vụ đông) cho thu hoạch trên 300 tấn. Vụ hè thu năm 2010 với diện tích 80 ha, cho năng suất 23 tạ/ha, cả vụ bán được 46 tấn giống ĐT84; vụ hè thu năm 2011, nông dân bán được 28 tấn cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình.
Từ năm 2006 đến nay, khi cây đậu tương trở thành cây chủ lực của vụ đông, HTX Vũ Thuận (Việt Thuận) hàng năm được huyện giao nhân giống đậu tương gốc phục vụ cho vụ đông. Các xã không có quỹ đất trồng cây màu hè thu gồm Duy Nhất, Vũ Hội, Vũ Vinh đã ký hợp đồng mua đậu tương giống vụ đông với HTX Vũ Thuận. Nhận thức trách nhiệm sản xuất ra giống đậu thuần, chuẩn, HTX đã chủ động khâu tập huấn kỹ thuật, thông qua các thôn lập danh sách những gia đình đăng ký nhân giống.
Năm 2010, huyện cấp cho HTX Vũ Thuận 1.024 kg, năm 2011 là 924 kg đậu tương gốc, HTX phát cho bà con xã viên định mức 2 kg/sào, khi thu hoạch thu mua lại 35 kg/sào, giá cao hơn thị trường 20%. Từ 2009 đến năm 2012, xã viên Vũ Thuận bán trên 50 tấn đậu tương, các thôn đăng ký đến đâu HTX thu mua đến đó, bảo đảm đáp ứng nhu cầu gieo trồng của địa phương và 3 xã trên.
Qua trao đổi, đồng chí Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Quỹ đất trồng cây vụ đông cơ bản đã được giải quyết, nhưng vấn đề quyết định đến diện tích trồng là khâu giống. Nếu không chủ động được nguồn giống, mọi cố gắng đã đạt được đều vô nghĩa.
Trong những năm qua, để chủ động khâu sản xuất giống, huyện đã hỗ trợ giống đậu tương gốc giao cho các xã có quỹ đất trồng vụ hè thu để cung ứng cho các xã không tự túc được giống. Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện không đứng ra mua giống cung ứng cho các HTX, mà chỉ đạo các HTX DVNN không có diện tích đất trồng cây màu hè thu trực tiếp hợp đồng với HTX DVNN có điều kiện cung ứng giống, bảo đảm đủ giống và giống tốt.
Đậu tương là một trong những cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá, chi phí đầu tư thấp, dễ mở rộng diện tích trong vụ đông. Khác với các cây trồng khác, sản phẩm đậu tương có thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu về đậu tương cho chế biến thực phẩm và thức ăn cho chăn nuôi ngày càng lớn. Sau khi thu hoạch, lá và rễ đậu tương để lại trong đất một lượng phân bón góp phần cải tạo đất, tạo môi trường canh tác bền vững.
Chính vì vậy cây đậu tương được xác định là một trong ba cây trồng chủ lực trên chân đất sau lúa mùa ở Vũ Thư (đậu tương, ngô, khoai tây). Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng 750 ha đậu tương, trong đó trên 100 ha đậu tương để nhân giống cho vụ đông.
Đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết thêm, trong điều kiện giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, việc duy trì, cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông là yếu tố rất cần thiết giúp người nông dân vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất vụ thứ 3 trong năm, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Vũ Thư và các xã, thị trấn đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kịp thời. Sự hỗ trợ không tràn lan mà được tập trung vào các khâu then chốt như giống, tưới tiêu, công chỉ đạo sản xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Vụ đông năm nay, huyện có cơ chế hỗ trợ đối với cây đậu tương là 840.000 đồng/ha.
Với việc chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chuẩn bị sớm mọi mặt, nhất là quỹ đất, giống cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hy vọng Vũ Thư sẽ có vụ đông 2013 thắng lợi cả 3 yếu tố: diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động nguồn giống, tỉa dặm, gieo cấy lại gần 1,5 nghìn ha trên tổng số gần 3 nghìn ha lúa mất trắng do mưa lũ vừa qua.

Hàng năm, nông dân tỉnh Bình Định sản xuất trên dưới 10.000 tấn đậu phụng, song việc canh tác đậu phụng gặp nhiều khó khăn do sự tàn phá trên diện rộng của bệnh thối cổ rễ. Trong khi các biện pháp hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chế phẩm (CP) sinh học Trichoderma đã mang lại triển vọng lớn: Tỉ lệ cây chết do bệnh thối cổ rễ giảm, năng suất tăng...

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có gần 15.000 ha vườn cây lâu năm; trong đó, đa số các vườn cây có thể kết hợp để nuôi gà thả vườn. Nhằm giúp những nhà vườn trong huyện có dự định nuôi gà thả vườn nắm vững kỹ thuật nuôi, thị trường tiêu thụ; vừa qua, phòng Nông nghiệp & PTNT Kế Sách tổ chức Hội thảo về mô hình nuôi gà ta thương phẩm quy mô gia trại tại Tổ hợp tác nuôi gà Nam Hải, xã Đại Hải. Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu, gồm đại diện các đoàn thể cấp huyện, các đơn vị nông nghiệp có liên quan và nông dân trong huyện.

Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chọn khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Những năm gần đây, nông dân xã Phước An (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã phát triển tốt nghề chăn nuôi bò vỗ béo. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, hoạt động chăn nuôi ngày càng hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.