Về Trà Vinh Săn Hàu Biển

Hàu là loại ngư sản biển chuyên sống bám theo các vách đá. Ở tỉnh Trà Vinh, hàu sống nhiều theo vách các cống thoát nước xây bằng bê tông trong các ao tôm của người dân huyện Duyên Hải. Do đó, muốn săn bắt hàu, người ta phải ngâm mình dưới nước để dò tìm hàu.
Khi xác định được vị trí của con hàu, người săn hàu dùng một cây xà beng kê sát vào mép con hàu bám vào vách cống, sau đó dùng búa đục cho thật khéo, nếu không, con hàu sẽ bị bể vỏ mất ngon. Hàu có giá trị cao về kinh tế và chất dinh dưỡng. Ở Trà Vinh, hàu bán có giá từ 22.000 - 30.000 đồng/kg (loại trên 10 con/kg).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố, trong mỗi 100g thịt hàu gồm có: 47,8mg kẽm, 10,9g protein; 1,5g chất béo; 375mg kali; 270mg natri; 35mg can xi; 10mg magiê; 5,5mg sắt; 11,5mg đồng; 100mg phốt pho, ngoài ra còn chứa vitamin A, B1, B2, Acid taurine và các vi nguyên tố khác. Nhờ thế, thịt con hàu giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất.
Thế nhưng, săn hàu bằng cách rà theo vách cống đục bắt từng con thì vừa nhọc công, sản lượng lại không nhiều. Tận dụng lợi thế vùng sông sâu nước mặn ở vùng ven biển, nhiều người dân ở thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có cách săn hàu với quy mô lớn hơn và đem lại hiệu quả kinh tế bất ngờ.
Anh Nguyễn Văn Thiệu (thị trấn Long Thành - Duyên Hải): làm chiếc lồng bè bằng cách hàn một khung sắt có chiều dài 45m, ngang 6m với tổng diện tích 270m2 lắp đặt cố định trên 100 chiếc thùng phuy nhựa.
Anh Nguyễn Văn Thiệu tiến hành mua 600 tấm tôn xi măng cắt đôi ra thành 1.200 giá thể. Mỗi tấm giá thể, anh Thiệu khoan 2 lỗ mắc dây quay để treo vào khung sắt. Như vậy là anh nông dân Nguyễn Văn Thiệu có được chiếc lồng bè nuôi nhử hàu với tổng số vốn đầu tư hơn 150 triệu đồng.
Địa điểm neo bè nuôi nhử hàu được anh Thiệu chọn là sông Long Khánh. Việc chọn vị trí thả lồng bè nuôi nhử hàu, theo anh Thiệu là rất quan trọng. Bè nuôi hàu nên neo ở vùng gần cửa sông ra biển và phải chọn chỗ có khúc cua để ít sóng gió.
Nước sông có độ mặn từ 20 - 30%o. Nguồn nước phải sạch, có dòng chảy nhẹ, có nhiều sinh vật phù du. Cần tránh nuôi nhử hàu ở khu vực có nhánh sông đổ ra trực tiếp. Bè nuôi phải đảm bảo ngập nước cho hàu khi nước ròng (thủy triều xuống cạn).
Dây neo bè phải thật chắc chắn, đề phòng nước sông cuốn trôi. Thời gian đưa giá thể xuống bè nuôi thích hợp nhất là từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 3, vì đây là thời điểm ấu trùng hàu trong môi trường tự nhiên có nhiều nhất trong năm.
Và 65km bờ biển, tỉnh Trà Vinh có 7 cửa sông đổ ra biển. Đây là tiềm năng rất lớn hứng ấu trùng hàu biển- một sản vật của trời cho - mà anh nông dân Nguyễn Văn Thiệu tình cờ phát hiện ra từ ý chí làm giàu ngay trên quê mình.
Ngày 8/3/2013 được anh Nguyễn Văn Thiệu chọn tiến hành đưa 1.200 giá thể tôn xi măng xuống bè. Thế là từ đó: hàu giống - của trời cho; thức ăn - không phải tốn. Đúng một năm sau, con hàu đóng kín 1.200 tấm giá thể với mật độ 60 - 70 con/tấm, có trọng lượng chung từ 30 - 35kg hàu thương phẩm. Tháng 4/2014 vừa qua, anh Nguyễn Văn Thiệu thu hoạch thử 80 giá thể đem lên hơn 2 tấn con hàu sữa (loại hàu non, vỏ mỏng, thịt đầy), bán được gần 40 triệu đồng.
Thắng lợi quá bất ngờ. Anh Nguyễn Văn Thiệu ước tính, nếu thu hoạch hết 1.200 giá thể hàu đang bám sai oằn dưới lồng bè, anh cầm chắc lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Đến vụ sau không còn khấu hao vốn đầu tư cho lồng bè, tiền bán hàu có thể bằng 4 lần vốn đầu tư, anh lời trọn.
Từ kết quả quá thuyết phục trong việc nuôi nhử hàu biển của anh Nguyễn Văn Thiệu, năm 2014, có một số người dân ở Long Thành, Đông Hải hùn vốn đóng bè đem ra sông Long Khánh hứng của trời cho.
Nguồn bài viết: http://www.baovinhlong.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=103856
Có thể bạn quan tâm

Thức ăn của cá lăng chấm là những loại cá tạp đánh bắt trên sông. Do đó, rất phù hợp với lối chăn nuôi ở các làng vạn chài dọc theo bờ sông Lô, sông Gâm và hộ nuôi cá lồng.

Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 số lượng gia cầm giống được nhập vào Việt Nam là gần 1 triệu con, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,29 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 3,93 USD/con, tăng 0,91 USD/con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ New Zealand và Mỹ.

Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.

Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.